Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Ba, 01/06/2021, 05:15 [GMT+7]
    Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ, với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
    Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01, 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và nhiều nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020… Kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.
 
    Năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,91%; thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, bất cập, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch; một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động tìm hướng đi mới trong xây dựng thể chế, chính sách, chưa có nhiều đổi mới bứt phá cả về phương pháp quản lý điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ... Nguyên nhân chủ yếu do một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự quyết liệt hành động; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và trong một số cơ quan, đơn vị còn thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ còn chưa thực sự quyết liệt.
                                                                                        Nguyễn Sự
.