Sơn La: Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng
Chủ Nhật, 06/09/2020, 07:03 [GMT+7]
Từ năm 2013 đến nay, Đảng đoàn HĐND tỉnh Sơn La tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo HĐND thực hiện tốt chức năng giám sát trong công tác PCTN; tập trung giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội góp phần phòng ngừa tham nhũng. Kết quả đã giám sát, khảo sát được 396 cuộc; trong đó: Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh giám sát thường xuyên, định kỳ 243 cuộc; giám sát chuyên đề 178 cuộc, trong đó, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 32 cuộc; các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 146 cuộc và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, cho ý kiến đối với 66 nội dung. Qua giám sát đã phát hiện, kiến nghị xử lý, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý thu, chi ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan, đơn vị, có tác dụng tích cực trong công tác PCTN, lãng phí, thất thoát các nguồn lực trong quá trình phát triển của tỉnh. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát, đúng với điều kiện thực tế.
Kỳ họp chuyên đề lần thứ 4, HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV |
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp luôn chủ động phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND cùng cấp tổ chức tốt công tác tiếp xúc cử tri theo luật định; tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị từ đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và Báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên được duy trì thực hiện theo Thông tri số 02/TTr MTTW-BTT ngày 12/02/2015 và Thông tri số 36/TTr-MTTW-BTT ngày 06/05/2019 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; tổ chức tiếp trên 40 lượt công dân tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tiếp nhận gần 300 đơn thư. Phối hợp tham gia với các cơ quan nhà nước tiếp trên 3.000 lượt công dân, giám sát việc tiếp nhận và xử lý giải quyết trên 90% đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân về các chế độ chính sách, đất đai... đảm bảo theo quy định hiện hành. Phối hợp tham gia tổ chức tốt các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, lắng nghe dân nói, đại diện cho tiếng nói của dân; đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không hình thành điểm nóng phức tạp về khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp lựa chọn những nội dung phù hợp, để xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát và phản biện xã hội, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Kết quả, trong kỳ báo cáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức giám sát và tham gia phối hợp (cấp tỉnh 76 cuộc; cấp huyện 1.600 cuộc; cấp xã 13.755 cuộc). Đặc biệt là hai năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm của người đứng đầu của một số cán bộ chủ chốt cấp xã theo Quy định 214-QĐ/TW của Ban Bí thư, góp phần làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp. Tổ chức góp ý và phản biện xã hội vào 2.100 văn bản dự thảo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tổ chức 1.249 hội nghị đối thoại trực tiếp.
Lê Hiếu