Quảng Bình: Đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt góp phần phòng ngừa tham nhũng.
Thứ Sáu, 18/10/2019, 17:15 [GMT+7]
Thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản và Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 nhằm phòng ngừa tham nhũng. Ngày 08-10-2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 6157/UBND-HT về việc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần chống tham nhũng (Ảnh: Internet) |
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hướng dẫn, yêu cầu tất cả các trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị (khuyến khích tại các địa bàn khác) phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn để thu học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản; lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động… tại những trường học, bệnh viện để người dân có thể dễ dàng, thuận lợi thanh toán học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, hoàn thành trước tháng 12-2019.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tỉnh nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để trường học, bệnh viện có thể kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người dân những dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên điện thoại di động.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với trường học, bệnh viện đảm bảo hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, an toàn, tiện lợi; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và dịch vụ công.
Được biết, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã lắp đặt hơn 100 máy ATM và 373 máy POS; phát hành hơn 300.000 thẻ ATM, trong đó hơn 30.000 thẻ là của các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước; dịch vụ thanh toán qua POS đã có bước phát triển. Toàn tỉnh có hơn 1.076 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản, trong đó 952/1192 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản. Việc trả lương qua tài khoản đã góp phần thay đổi dần tâm lý dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ cung ứng điện, nước, điện thoại, viễn thông, truyền hình đã được thực hiện nhiều năm qua; cùng với việc thu học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh ở các cơ sở giáo dục, y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần vào việc công khai, minh bạch các khoản thu, giảm các hiện tượng vòi vĩnh, sách nhiễu góp phần phòng ngừa tham nhũng…
Võ Việt Hùng
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)