Đồng Tháp: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án

Thứ Tư, 06/04/2022, 07:30 [GMT+7]
    Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 22/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gọi tắt là Chỉ thị 04) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
    Theo đó, hoạt động của các Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự 2 cấp từng bước phát huy hiệu quả tích cực, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ những vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, hạn chế tồn đọng các vụ việc khó thi hành. Từ năm 2016-2021, trong toàn tỉnh đã thi hành trên 116.400 việc (bình quân vượt từ 10 - 12% so với chỉ tiêu do ngành cấp trên giao), với số tiền đã thi hành án hơn 2.055 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.
 
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên chất vấn và phiên giải trình về công tác thi hành án dân sự
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên chất vấn và phiên giải trình về công tác thi hành án dân sự
    Sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền để duy trì công tác phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp, nhất là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án dân sự, hành chính là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác thi hành án. Các cấp, các ngành, nhất là cơ quan thi hành án dân sự luôn bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, tinh thần Chỉ thị số 04, quy định của pháp luật về thi hành án, các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi hành án dân sự, hành chính nên kết quả công tác thi hành án dân sự, hành chính của tỉnh luôn đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
 
    Hoạt động tổ chức thi hành án dân sự, hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên đương sự, nhất là việc kê biên, xử lý tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, chính sách an sinh xã hội ở địa phương, dễ phát sinh điểm nóng về trật tự xã hội nên cần phải có sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
 
    Tỉnh đã chú trọng lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ, củng cố tổ chức đảng trong các cơ quan thi hành án dân sự, nhất là kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo thi hành án 2 cấp, cán bộ chủ chốt cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác quản lý nội bộ, gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, cơ quan dân cử, kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động thi hành án. Có cơ chế phát huy tốt vai trò của Nhân dân cung cấp thông tin có giá trị cho cơ quan thi hành án, nhất là thông tin về tài sản thi hành án; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tổ chức tự nguyện chấp hành tốt quy định pháp luật về thi hành án...
 
    Công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngành dọc cấp trên giao, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của địa phương.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phối hợp của các cơ quan liên quan trong tổ chức thi hành án dân sự có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời. Tuy kết quả thi hành án về việc, về tiền đạt và vượt chỉ tiêu do cấp trên giao nhưng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản đạt được chưa cao, chưa tạo được sự hài lòng của người được thi hành án. Nhiều vụ việc thi hành án đã tổ chức bán đấu giá tài sản thành nhưng do có vi phạm về trình tự khi kê biên tài sản, dẫn đến không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
 
    Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức gắn với công tác chính trị tư tưởng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những biểu hiện vi phạm trong hoạt động thi hành án, hạn chế xảy ra vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng nhằm xây dựng ngành thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Song song đó, tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, hành chính, đặc biệt là hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp bảo đảm hoạt động thi hành án đạt hiệu quả, đúng pháp luật.
                                                                                       Kim Long
.