Việt Nam tăng cường quản lý biên giới ứng phó với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

Chủ Nhật, 22/08/2021, 06:56 [GMT+7]
    Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định ở Đông Nam Á và các khu vực lân cận, gây tổn hại đến sức khỏe và đời sống của từng cá nhân và cộng đồng, làm suy yếu và phá hoại sự phát triển kinh tế các quốc gia. Trong một thập kỷ vừa qua, bối cảnh về an ninh tại khu vực Đông Nam Á đã có nhiều thay đổi. Các loại tội phạm truyền thống có tổ chức xuyên quốc gia biến chuyển liên tục, thêm vào đó, một số thị trường bất hợp pháp mới nổi lên, đem lại hàng tỷ đô la lợi nhuận phi pháp mỗi năm cho các tổ chức tội phạm. Trong bối cảnh đó, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã và đang phối hợp cùng với các quốc gia thành viên trong khu vực  Đông Nam Á nhằm giải quyết mối đe dọa chung đối với an ninh khu vực.
 
Các giảng viên của Học viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam kiểm tra trang thiết bị mới tại Trung tâm Đào tạo do UNODC hỗ trợ
Các giảng viên của Học viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam kiểm tra trang thiết bị mới tại Trung tâm Đào tạo do UNODC hỗ trợ
   
    Trong số các loại hình mua bán bất hợp pháp tại Đông Nam Á thì mua bán ma túy bất hợp pháp là thách thức lớn nhất hiện nay. Thị trường ma túy bất hợp pháp ở Đông Nam Á là thị trường lớn nhất thế giới, với việc sản xuất và mua bán ước tính trị giá hơn 70 tỷ Đô la Mỹ vào năm 2019. Mua bán ma túy trong khu vực tiếp tục gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bất chấp các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Năm 2020, lượng ma tuý bị thu giữ ở Việt Nam và các nước khu vực hạ lưu sông Mê Kông vẫn tăng 19% so với năm trước(1). Việt Nam đang bị lợi dụng như một điểm trung chuyển của các tổ chức tội phạm. Các đối tượng tội phạm thường vận chuyển ma tuý trái phép và các hàng hoá bất hợp pháp khác qua biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Campuchia và CHDCND Lào trước khi vận chuyển đến các quốc gia khác thông qua các cảng biển lớn của Việt Nam. 
     
    “Xu hướng tội phạm mua bán trái phép chất ma túy trong khu vực đã có những thay đổi đáng chú ý. Kể từ năm 2019, nhằm đối phó với lực lượng thực thi pháp luật ở khu vực biên giới giữa Myanmar và Thái lan, các đối tượng tội phạm tiếp tục thay đổi tuyến đường vận chuyển. Hiện tại, các loại ma túy như methamphetamine và heroin được vận chuyển qua Lào, Thái lan, Campuchia và Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ đơn thuần, mà còn là địa điểm trung chuyển sang các nước thứ ba”. (Trích phát biểu của Bà Valentina Pancieri, Điều phối viên Khu  vực Chương trình Quản lý Biên giới của UNODC ở Đông Nam Á).

    Thách thức mà lực lượng chức năng Việt Nam đang phải đối mặt tại các khu vực cửa khẩu biên giới là thách thức kép, đó là: Cơ chế phối hợp điều tra tội phạm xuyên quốc gia chưa hoàn thiện và năng lực chuyên môn của lực lượng thực thi pháp luật còn hạn chế. Do đó, nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới không phát hiện được hoặc các cuộc điều tra thường chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Vì vậy, lực lượng chức năng mới chỉ tịch thu và bắt giữ được các đối tượng cá nhân nhỏ lẻ, chưa triệt phá được các đường dây, mạng lưới tội phạm lớn trong khu vực.
 
    Để giải quyết những thách thức này, Việt Nam đã hợp tác với các nước láng giềng ở lưu vực sông Mê Kông tăng cường quản lý biên giới thông qua Mạng lưới Văn phòng liên lạc qua biên giới cấp khu vực (BLO). Với sự hỗ trợ kỹ thuật và chính sách từ UNODC, Mạng lưới BLO cấp khu vực đã đóng góp vào các nỗ lực phòng, chống tội phạm về ma túy kể từ năm 1998 thông qua việc xây dựng một nền tảng chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa các cơ quan đối biên và thúc đẩy hợp tác toàn khu vực. Đồng thời, mạng lưới này cũng hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật của các quốc gia. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm và ma túy qua biên giới.
 
    Tại Việt Nam, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã phối hợp với UNODC, các cơ quan trong nước và Chính phủ nước ngoài trong công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động mua bán trái phép tại các địa bàn cửa khẩu trong toàn khu vực. Tại các Văn phòng BLO, cán bộ từ các cơ quan thực thi pháp luật có nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bao gồm: Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Cảnh sát hình sự, môi trường; Hải quan; Quản lý Xuất, nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng và Kiểm lâm… phối hợp chia sẻ thông tin nghiệp vụ, điều tra và thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
 
    “Các đối tượng hiện nay lợi dụng công nghệ thông tin hiện đại để hoạt động phạm tội, điều này càng làm cho công tác phòng, chống tội phạm thêm khó khăn. Do đó, đội ngũ cán bộ quản lý biên giới cũng cần phải có các trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ, phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở các địa bàn giáp biên”. Theo Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam
 
    
    Với thành viên đến từ các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành Công an, mạng lưới 21 Văn phòng BLO ở Việt Nam hiện nay, đã và đang hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chức năng thực hiện thành công các chuyên án dọc biên giới và xuyên quốc gia; phát hiện, ngăn chặn hoạt động mua bán vận chuyển và tàng trữ ma túy trên các tuyến đường có nguy cơ cao. Điển hình, chuyên án vào tháng 2 năm 2020, Văn phòng BLO cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị đã phối hợp với Văn phòng BLO đối biên tại huyện Sepon, CHDCND Lào, hỗ trợ bắt giữ các đối tượng vận chuyển ma túy, thu giữ 6.800 viên ma túy tổng hợp Methamphetaminevà mở rộng điều tra hoạt động buôn bán ma túy tại khu vực này(2).
 
    Trên bình diện khu vực, mạng lưới Văn phòng BLO tạo thành một diễn đàn tập hợp các bên liên quan và thúc đẩy đối thoại chính sách về các vấn đề quản lý biên giới thông qua các cuộc hội thảo và tham vấn được tổ chức thường xuyên cho các cơ quan Chính phủ đại diện trong mạng lưới BLO. Các cuộc họp này cũng là dịp để đại biểu các Văn phòng BLO và các cơ quan chức năng cấp quốc gia thảo luận về những khó khăn, thách thức và chia sẻ các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của BLO trong hoạch định các chính sách mới. Với các hoạt động như vậy, mạng lưới BLO đã đóng góp tích cực vào các mục tiêu chiến lược của Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN, giúp tăng cường hoạt động phòng, chống tội phạm và ma túy ma túy thông qua các biện pháp quản lý biên giới hiệu quả hơn.
 
    UNODC và các đối tác trong khu vực, trong đó có Bộ Công An Việt Nam đã huy động mạng lưới BLO nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ biên giới tuyến đầu. Các cán bộ được phân công công tác tại Văn phòng BLO thường xuyên tham gia các khóa tập huấn, hội nghị qua biên giới và hoạt động tuần tra chung để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. UNODC cũng hỗ trợ các chuyến thăm quan, học tập trong nước và quốc tế cho các cán bộ của Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các đối tác trong và ngoài nước. Gần đây, UNODC mở rộng phương thức đào tạo thông qua cơ chế hợp tác với các học viện đào tạo quốc gia trong khu vực, bao gồm: Trường Hải quan Việt Nam và Học viện Cảnh sát Nhân dân. Nỗ lực này nhằm tăng cường đào tạo cho các cán bộ tuyến đầu ở mọi cấp bậc với mục đích tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều tra liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và mua bán bất hợp pháp qua biên giới.
 
BàValentinaPancieri,ĐiềuphốiviênChươngtrìnhCấpkhuvựccủaUNODC, bàngiaophươngtiệnxegắnmáytàitrợchocánbộVănphòngBLOtạiViệtNam
Bà ValentinaPancieri, Điều phối viên Chương trình Cấp khu vực của UNODC, bàn giao phương tiện xe gắn máy tài trợ cho cán bộ Văn phòng BLO tại ViệtNam
    Ngoài việc tổ chức đào tạo, tập huấn trực tiếp cho các cán bộ tuyến đầu và thông qua các học viện, UNODC còn hỗ trợ trang thiết bị cho các BLO mới thành lập cũng như các BLO đã hoạt động ở Việt Nam để tăng cường hiệu quả của BLO trong việc hỗ trợ thực hiện các chuyên án tại các cửa khẩu biên giới. UNODC hỗ trợ việc mở rộng mạng lưới và duy trì các văn phòng hiện có, cung cấp các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho cán bộ tuyến đầu như bộ công cụ kiểm tra ma túy và tiền chất, công cụ điều tra hiện trường tội phạm và thiết bị điều tra trinh sát.
 
    Mặc dù các nước trong khu vực đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát biên giới, nhưng hoạt động tội phạm trong khu vực vẫn có xu hướng gia tăng, tội phạm xuyên quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Thông qua cơ chế hợp tác, UNODC và các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Bộ Công an và Chính phủ Việt Nam đang tích cực tăng cường quản lý khu vực biên giới với nỗ lực phòng, chống hoạt động mua bán bất hợp pháp qua biên giới.
 
    Thông tin về Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc
    Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) làm việc với các quốc gia thành viên để bảo đảm thế giới được an toàn  hơn khỏi ma túy, tội phạm có tổ chức, tham nhũng và khủng bố. UNODC là cơ quan bảo vệ các công ước về ma túy của Liên Hợp Quốc như: Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Văn phòng Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC (ROSEAP) tại Bangkok, Thái Lan đóng vai trò trung tâm cho các hoạt động của tổ chức trong khu vực, bao gồm các chương trình ứng phó tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, phát triển thay thế, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, cải cách tư pháp hình sự và chống khủng bố. Thông qua những nỗ lực này, UNODC làm việc với các đối tác chính phủ khác nhau để thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
    
    Nằm ngay tại ROSEAP, Chương trình Quản lý Biên giới Khu vực được thành lập để giải quyết các mối đe dọa đặc thù mà các chính phủ ở Đông Nam Á phải đối mặt — cụ thể là tỷ lệ hoạt động tội phạm cao và các cơ chế phối hợp xuyên biên giới hạn chế— và đã có tác động liên tục đến chính sách an ninh trong khu vực. Thông qua Chương trình Quản lý Biên giới và Mạng lưới Văn phòng Liên lạc Biên giới (BLO), UNODC hỗ trợ các hoạt động thực thi pháp luật tại các cửa khẩu biên giới tuyến đầu và đóng góp vào đối thoại chính sách về các vấn đề liên quan đến quản lý biên giới trong khu vực. Việt Nam tham gia mạng lưới BLO năm 2000. Hiện nay, UNODC đã hỗ trợ thành lập 21 BLO tại Việt Nam dọc theo biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Trung Quốc và CHDCND Lào.

    (1) Báo cáo UNODC 2021 “Ma túy tổng hợp tại khu vực Đông và Đông Nam Á: Diễn biến và thách thức mới nhất”
    (2) Xem: Triệt phá vụ vận chuyển 6.800 viên ma túy tổng hợp; tại https//baotintuc.vn/phap-luat/triet-pha-vu-van-chuyen- 6.800--vien-ma-túy-tong-hop-20200226094939007.htm

Chương trình quản lý biên giới
(Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam)

.