Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:50 [GMT + 7]
.
.

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 24/03/2016, 11:15 [GMT+7]
    Các nội dung về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã được Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) năm 2015 lần đầu tiên quy định tại Chương XVI, từ Điều 223 đến Điều 228.
 
    1. Sự cần thiết luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng
 
    Việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự lần này là cần thiết, nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”; tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng và để tránh nhầm lẫn thì không nên quy định cả biện pháp nghiệp vụ trinh sát thông thường là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm hiện nay, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm. 
 
    Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, quá trình điều tra theo luật hiện hành tỏ ra không thật hiệu quả, nhất là đối với một số loại tội phạm như tham nhũng. Tham nhũng rất nhiều nhưng phát hiện, xử lý được rất ít, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Lý do có lẽ cũng do thiếu thiết chế đặc thù để phát hiện, thu thập chứng cứ đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng. Do đó, cần quy định các biện pháp điều tra đặc biệt này.
 
    Việc thu thập chứng cứ qua các biện pháp như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử,... có thể nói trong nhiều trường hợp, đây là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm trực tiếp. Trước đây, các biện pháp này không quy định trong luật thì phải tiến hành thủ tục chuyển hóa chứng cứ, trong nhiều trường hợp thì không thể chuyển hóa được và như vậy đã từ chối một nguồn chứng cứ hết sức thuyết phục, thậm chí người phạm tội phải tâm phục, khẩu phục ngay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là nguồn chứng cứ rất quý để chứng minh tội phạm.
 
    Trước khi thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) 2015, pháp luật Việt Nam cũng có quy định trong một số luật chuyên ngành cho phép áp dụng biện pháp này đối với một số loại tội là các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm ma túy. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu lực pháp lý thì các biện pháp điều tra đặc biệt phải được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
 
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
    2. Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt trong đấu tranh chống tham nhũng
 
    Tham khảo luật tố tụng hình sự của một số quốc gia, trong đó có những quốc gia có những thể chế chính trị giống Việt Nam như Trung Quốc, hay quốc gia trước đây có nền tư pháp giống chúng ta như Nga, Hungary và cả những quốc gia tiên tiến hơn như Đức, Pháp, Mỹ… Tất cả các quốc gia này đều có quy định biện pháp điều tra đặc biệt. Đó là các biện pháp theo dõi bí mật; ghi âm, ghi hình bí mật; chặn và ghi âm các cuộc liên lạc viễn thông; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; khám bí mật chỗ ở; sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật; kiểm tra giấy tờ; lập chốt giả để kiểm tra giao thông…
 
    Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước của Liên hợp quốc, trong đó có công ước về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, ma túy, chống tội phạm có tổ chức. Chúng ta đã cam kết sẽ luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt này, cho nên việc bàn và tiến tới đưa một chương quy định biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự là một đòi hỏi tất yếu của việc thực hiện các cam kết quốc tế.
 
    Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) cũng đòi hỏi mọi quốc gia phải áp dụng các biện pháp cần thiết, đủ mạnh và biện pháp này cũng là một biện pháp đặc biệt. Các biện pháp điều tra đặc biệt được UNCAC nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm, đặc biệt là các tội phạm ma túy, các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tội phạm tham nhũng. Theo thống kê, xu hướng áp dụng các biện pháp này của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng do tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; thủ đoạn, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi; người phạm tội trong các vụ án tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn nên thường tìm mọi cách che giấu hành vi, can thiệp vào quá trình xử lý... 
 
    Mặc dù vậy, việc áp dụng các biện pháp này vẫn được cảnh báo là cần thận trọng để tránh vi phạm quyền con người và đảm bảo giá trị về mặt chứng cứ của các dữ liệu thu được. Bởi vậy, việc áp dụng các biện pháp này chỉ giới hạn đối với một số nhóm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, kèm theo là quy định chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cũng như có cơ chế kiểm soát  như phê chuẩn của viện kiểm sát hoặc của tòa án.
 
    Theo UNCAC và kinh nghiệm của nhiều quốc gia thành viên, các biện pháp điều tra đặc biệt bao gồm: kiểm soát vận chuyển (thường áp dụng trong các trường hợp qua biên giới và trong các vụ án ma túy); giám sát, theo dõi điện tử (theo dõi điện thoại, thư điện tử...); giám sát, theo dõi đối tượng (theo dõi đối tượng tình nghi); hoạt động tình báo, hoạt động “chìm”; kiểm tra liêm chính; giám sát giao dịch tài chính và một số biện pháp khác. Qua đánh giá không đầy đủ, thì các biện pháp này rất có hiệu quả trong việc thu thập thông tin, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại một số quốc gia. Việc áp dụng các biện pháp này cũng giúp xử lý “sớm” hành vi có dấu hiệu tham nhũng và giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có được thông tin và chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, tạm giữ, kê biên để thu hồi tài sản tham nhũng.
 
    Tuy nhiên, việc quy định và áp dụng biện pháp này sẽ có hai mặt của nó mà cơ quan áp dụng phải lưu ý, đó là: Quy định sẽ góp phần nâng cao khả năng, hiệu quả phát hiện, điều tra tội phạm, phòng, chống tham nhũng, nhưng phải làm thế nào để không lạm dụng biện pháp này, không xâm phạm quyền tự do riêng tư, quyền con người là vấn đề quan trọng. Cần trả lời được các câu hỏi cụ thể sau: Biện pháp điều tra đặc biệt được áp dụng với ai? Thời hạn áp dụng bao lâu? Ai là người ra quyết định áp dụng và người có thẩm quyền phê chuẩn quyết định áp dụng?
 
    Phải có hướng dẫn thật cụ thể đối tượng và trường hợp nào, bối cảnh nào cần áp dụng, nếu áp dụng tràn lan thì người dân sẽ bị xâm phạm quyền tự do riêng tư. Luật cần quy định ngắn gọn nên quá trình triển khai, cơ quan có trách nhiệm phải hướng dẫn cụ thể ngay vì đây là chế định mới. Viện Kiểm sát phải tăng cường kiểm sát việc áp dụng những biện pháp này; Tòa án khi xét xử cũng vậy, cần xem xét các chứng cứ có trong vụ án có được thu thập theo đúng quy định hay không? Tuy nhiên, vai trò của người trực tiếp làm vẫn là quan trọng nhất. Các điều tra viên, kiểm sát viên căn cứ trường hợp cụ thể để có đề xuất áp dụng biện pháp này, tất nhiên không phải cứ đề xuất là được chấp nhận và người có trách nhiệm phải xem xét, xử lý vấn đề này.
 
    3. Các nội dung cơ bản của biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) năm 2015
 
    - Thời điểm áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Các biện pháp này có thể được áp dụng sau khi khởi tố vụ án. 
 
    - Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: (1) Ghi âm, ghi hình bí mật; (2) Nghe điện thoại bí mật; và (3) Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
 
    - Các loại tội có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: (1) Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; và (2) Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
 
    - Thẩm quyền quyết định áp dụng: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
 
    - Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.
 
    - Sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Và các thông tin, tài liệu này có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.
Hà Thanh
;
.