Giảng dạy môn học pháp luật phòng, chống tham nhũng tại Học viện Hành chính Quốc gia

Thứ Năm, 24/03/2016, 11:09 [GMT+7]
    Việc giảng dạy môn học phòng, chống tham nhũng tại Học viện Hành chính Quốc gia là một trong những nội dung đào tạo được xác định là rất quan trọng.
 
    Kể từ tháng 3-2009 khi Học viện Hành chính Quốc gia chính thức được mở mã ngành đào tạo cử nhân hành chính - Chuyên ngành thanh tra thì môn học Tham nhũng và Phòng, chống tham nhũng là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo. Đến năm học 2010–2011 thực hiện Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 02-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, môn học Tham nhũng và Phòng, chống tham nhũng được đổi tên thành môn Pháp luật phòng, chống tham nhũng và trở thành môn học bắt buộc trong chương trình khung đào tạo cử nhân hành chính, được giảng dạy cho tất cả các lớp Đại học hành chính hệ chính quy và tại chức tại Học viện.
 
    Qua thực tiễn hơn năm năm giảng dạy môn học này, một số vấn đề mà chúng tôi muốn chia sẻ tại Hội nghị sơ kết toàn quốc 02 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo của Thủ tướng Chính phủ như sau:
 
    1. Chương trình đào tạo môn học Pháp luật phòng, chống tham nhũng
 
    Đối tượng giảng dạy là sinh viên đại học Hành chính hệ chính quy và vừa học vừa làm.
    Mục tiêu của môn học nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho sinh viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, tương đối toàn diện về các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và trên thế giới. Trang bị cho sinh viên kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng; nhận biết được những hành vi tham nhũng, các nguyên nhân và hậu quả tham nhũng. Hình thành năng lực xử lý đúng đắn, phù hợp pháp luật về những vấn đề tham nhũng phát sinh trong đời sống xã hội.
 
    Thời gian học là 2 đơn vị học trình (30 tiết). Nội dung môn học gồm 4 chương: Khái quát chung về tham nhũng; Pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống tham nhũng; Pháp luật quốc tế về phòng, chống tham nhũng. 
 
Học viện Hành chính Quốc gia
Học viện Hành chính Quốc gia
    2. Biên soạn giáo trình, tài liệu, kế hoạch bài giảng
 
    Đây là môn học mới nên việc biên soạn giáo trình, tài liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng giảng dạy và có ý nghĩa đối với cả người dạy và người học. Thời gian qua để phục vụ cho việc giảng dạy môn học này, các giảng viên trong Khoa Nhà nước & Pháp luật đã tiến hành biên soạn giáo trình, tài liệu. Ban đầu dưới hình thức là tập bài giảng và hiện nay đã được biên soạn thành giáo trình. Bên cạnh đó các giảng viên cũng viết sách tham khảo phục vụ cho môn học. Mỗi giảng viên đảm nhiệm một nội dung, sau đó sẽ giảng báo cáo trước Bộ môn, trên cơ sở đó các giảng viên cùng nhau đóng góp ý kiến để xây dựng một kế hoạch bài giảng hoàn chỉnh, thống nhất các nội dung. Việc làm này diễn ra liên tục cho đến khi hết các nội dung môn học.
 
    3. Những thuận lợi và khó khăn 
    a. Thuận lợi
    Sau hơn 5 năm triển khai, hiện nay việc giảng dạy môn học Pháp luật phòng, chống tham nhũng đã đi vào nền nếp và đã đạt được mục tiêu đề ra của môn học, hơn nữa môn học này đã trở thành một môn học yêu thích của rất nhiều sinh viên trong nhà trường. Sở dĩ đạt được kết quả đó là vì việc giảng dạy môn học Pháp luật phòng, chống tham nhũng có nhiều thuận lợi:
 
    Xuất phát từ mục tiêu đào tạo và thực hiện chủ trương của Nhà nước nên Pháp luật phòng, chống tham nhũng là môn học nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía lãnh đạo Học viện, cũng như Khoa Nhà nước và pháp luật. Thể hiện thông qua những hoạt động cụ thể như: mời các báo cáo viên nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tham nhũng… Đây là cơ hội tốt cho các giảng viên và sinh viên tiếp cận thực tiễn phòng, chống tham nhũng một cách sinh động và khách quan.
 
    Khoa Nhà nước & pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia trong nhiều năm đã có mối quan hệ tốt, thường xuyên có sự gặp gỡ giao lưu và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn từ Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học thanh tra và Trường Bồi dưỡng cán bộ thanh tra trong việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành thanh tra cũng như trong việc xây dựng chương trình môn học Pháp luật phòng, chống tham nhũng.
 
    Tham gia giảng dạy môn học này là đội ngũ các giảng viên có trình độ, được đào tạo bài bản từ chuyên ngành luật học, có kiến thức các môn luật chuyên ngành như Luật Hành chính, Luật Hình sự…có tâm huyết với nghề và luôn có ý thức trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và không ngừng cầu thị.
 
    Các giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với nội dung của từng chuyên mục tạo được sự tập trung, hứng thú cho sinh viên.
 
    Tài liệu phục vụ cho môn học hiện nay khá đầy đủ và phong phú bao gồm giáo trình, tài liệu tham khảo và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp cận với nguồn tài liệu dễ dàng, thuận tiện.
 
    b. Khó khăn
    Tham nhũng là một vấn đề nhạy cảm, liên quan đến việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, khi giảng những nội dung của môn học việc phân tích, đánh giá quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện quy định đó là rất khó khăn. Phải tránh giảng lý thuyết suông xa rời thực tiễn, nhưng càng không sa đà vào thực tiễn để rồi chỉ thấy những sai phạm nghiêm trọng, thực tiễn tiêu cực. Đây là thử thách rất lớn cho giảng viên lên lớp, nếu giảng viên định hướng không tốt sẽ có thể gây ra tâm lý lệch lạc trong sinh viên, ý thức phòng, chống tham nhũng trong sinh viên sẽ bị mai một.
 
    Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận thực trạng tham nhũng ở Việt Nam và trên thế giới là rất dễ dàng. Các nguồn tài liệu về phòng, chống tham nhũng trên các trang mạng xã hội rất đa dạng, phong phú, trong đó có cả những nguồn tài liệu không chính thống. Khi tiếp cận với những nguồn tài liệu không chính thống đó sinh viên thường có sự so sánh, đánh giá và chất vấn đối với thực trạng tham nhũng và xử lý tham nhũng tại Việt Nam. Vấn đề này nếu không được giải quyết tốt sẽ gây ra mất lòng tin, hình thành những suy nghĩ tiêu cực trong một bộ phận sinh viên.
 
    Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay khá đa dạng, số lượng lớn, văn bản dàn trải, nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất. Ở mỗi nội dung pháp luật về phòng ngừa, phát hiện, xử lý lại có những quy định riêng. Còn có sự chưa tương thích giữa các quy định của pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết về phòng, chống tham nhũng. Điều này dẫn đến việc tìm hiểu tất cả những quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng là rất khó khăn.
 
    Với thời lượng như hiện nay (30 tiết) so với mục tiêu đề ra của môn học thì chưa thực sự phù hợp, thời gian còn ít.
 
    4. Một số đề xuất, kiến nghị
 
    Để nâng cao hơn nữa chất lượng bài giảng nội dung phòng, chống tham nhũng cũng như đến gần hơn với mục đích của môn học, cần có những thay đổi nhất định, đó là:
 
    Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn (quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…) để tránh tình trạng khi giảng dạy về nội dung quy định pháp luật người học nhận ra ngay sự mâu thuẫn, sự không phù hợp của các quy định pháp luật dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật.
 
    Ở Học viện Hành chính Quốc gia, các giảng viên tham gia giảng dạy môn học này được đào tạo bài bản về lý thuyết nhưng thiếu thực tiễn. Vì thế, việc được tham gia các khóa tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tham nhũng hay tham gia các cuộc khảo sát thực tiễn sẽ đem lại cho giảng viên vốn kiến thức thực tiễn, góp phần làm phong phú bài giảng trên lớp.
 
    Trong quá trình giảng dạy môn học này, việc sử dụng ví dụ hoặc bài tập tình huống là rất cần thiết. Tuy nhiên, để trách tình trạng ví dụ, bài tập tình huống được sử dụng không chính xác, gây nhiều tranh cãi, cần xây dựng ngân hàng tình huống để phục vụ cho môn học.
 
    Cần tăng thời lượng môn học lên 45 tiết nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu môn học.
                                       Ths. Lê Thị Hoa 
                                      (Học viện Hành chính Quốc gia)
;
.