Vài nét về các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Niu Di-lân

Chủ Nhật, 20/03/2016, 11:53 [GMT+7]

    Niu Di-lân không có cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; không thành lập ủy ban độc lập về phòng, chống tham nhũng, nhưng có các cơ quan tập trung vào các lĩnh vực khác nhau để phòng, chống tham nhũng, trong đó, một số cơ quan có nhiệm vụ củng cố các giá trị để đảm bảo Niu Di-lân duy trì và giữ vững môi trường không có tham nhũng, một số khác tập trung tăng cường sự tuân thủ luật pháp và các quy định.

    Năm 2015, theo công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Niu Di-lân, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển được xếp hạng là những nước ít tham nhũng nhất trên thế giới trong bảng đánh giá hàng năm. Thành công đó có vai trò quan trọng của các cơ quan phòng chống tham nhũng của Niu Di-lân, đặc biệt là hai cơ quan chịu trách nhiệm chính trong điều tra, truy tố tham nhũng là Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng và Cơ quan cảnh sát Niu Di-lân.

Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng (SFO)

    Được thành lập năm 1990, chức năng chủ yếu của SFO tập trung vào điều tra các gian lận phức tạp và nghiêm trọng; đặc biệt, cùng phối hợp với cơ quan cảnh sát Niu Di-lân trong phát hiện, điều tra, truy tố các tội phạm về tài chính. Tổ chức này có thẩm quyền điều tra hầu hết các hành vi hối lộ, tham nhũng và các khoản hoa hồng bí mật. SFO tập trung mạnh mẽ vào các quan chức khu vực công, nơi các vi phạm dễ làm xói mòn lòng tin của công chúng để đảm bảo tính liêm chính của khu vực này và tính nghiêm minh của pháp luật. Các hành vi hối lộ, tham nhũng thường chỉ được xác định sau khi phân tích các giao dịch tài chính và dòng tiền.

Tòa nhà Quốc hội Niu Di-lân
Tòa nhà Quốc hội Niu Di-lân

    SFO có thẩm quyền đặc biệt để tiến hành hoặc hỗ trợ các hoạt động điều tra liên quan đến hối lộ, tham nhũng và các giao dịch tài chính. Thẩm quyền của Giám đốc SFO cao hơn thẩm quyền của Cơ quan cảnh sát Niu Di-lân. Giám đốc SFO có thể xin lệnh khám xét và các thẩm phán phải đáp ứng yêu cầu này khi có đủ căn cứ; có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân đến để thẩm vấn trực tiếp, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho hoạt động điều tra; độc lập hoàn toàn trong quyết định các trường hợp điều tra. 

    Các báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về gian lận, hối lộ, tham nhũng chuyển đến SFO đầu tiên sẽ được xử lý, đánh giá bởi Phòng Thông tin và phát hiện gian lận. Các bước đánh giá thông tin được thực hiện để đưa ra đề xuất cho Giám đốc SFO. Nếu thông tin trình báo không đáp ứng được các yếu tố để điều tra, SFO sẽ hướng dẫn người trình báo đến các cơ quan thực thi pháp luật phù hợp hơn hoặc trực tiếp chuyển vấn đề đến cơ quan đó.

    Hoạt động điều tra sẽ được tiến hành bởi một trong hai đơn vị của SFO là Phòng gian lận doanh nghiệp và các thị trường tài chính hoặc Phòng gian lận và chống tham nhũng. Các đơn vị này có đội ngũ các nhà điều tra hàng đầu Niu Di-lân đối với các tội phạm hối lộ, tham nhũng, gian lận tài chính phức tạp và có quy mô lớn. Tất cả các điều tra do SFO tiến hành được thực hiện bởi một nhóm đa ngành bao gồm một điều tra viên có kinh nghiệm, một kế toán pháp lý (người sử dụng các kỹ năng của kế toán và thanh tra để giúp điều tra các hành vi gian lận) và một công tố viên. Nhóm này lại được quản lý, giám sát bởi một điều tra viên cao cấp hoặc một kế toán pháp lý giàu kinh nghiệm để loại trừ tham nhũng trong đội ngũ chống tham nhũng.

    Để phát hiện và ngăn chặn hối lộ, tham nhũng, SFO khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin mà họ nghi ngờ là hối lộ hoặc tham nhũng. Các đơn, thư nặc danh cũng được SFO tiếp nhận. Tổ chức, cá nhân có thể trình báo hoặc cung cấp thông tin qua trang thông tin điện tử của SFO. Trang này cũng cung cấp thông tin về tiến độ điều tra các vụ việc, các khó khăn trong quá trình điều tra, mong muốn các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để hỗ trợ hoạt động điều tra. Cách làm này đã giúp SFO thành công trong hầu hết các vụ án điều tra gian lận tài chính và tham nhũng nghiêm trọng.

Cơ quan cảnh sát

    Cơ quan cảnh sát chịu trách nhiệm để Niu Di-lân trở thành một nơi an toàn để sinh sống và mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ luật pháp. Cùng với SFO, cảnh sát Niu Di-lân cũng có chức năng điều tra mọi vấn đề liên quan đến hối lộ và tham nhũng.

    Mọi người dân được chào đón và khuyến khích đến gặp cảnh sát để trình báo, cung cấp các thông tin, bằng chứng về bất cứ nghi ngờ một tổ chức hay cá nhân có liên quan đến hành vi hối lộ, tham nhũng. Việc trình báo, cung cấp thông tin có thể được thực hiện một cách bí mật thông qua trang tin điện tử hoặc đường dây nóng điện thoại của cảnh sát. Những cáo buộc hối lộ, tham nhũng có thể được thông báo cho cảnh sát bằng hình thức giấu tên và luật pháp bảo vệ người cung cấp thông tin, cán bộ, công chức và người lao động nếu họ cung cấp thông tin về hối lộ, tham nhũng liên quan đến lãnh đạo hoặc ông chủ của họ.

Các cơ quan khác

    Ngoài SFO và cơ quan cảnh sát, Văn phòng Tổng kiểm toán, Thanh tra Chính phủ và Cơ quan giám sát cảnh sát độc lập có thẩm quyền nhất định trong phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan này hoạt động độc lập theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện các hoạt động kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra và báo cáo độc lập về các hoạt động của khu vực công.

    Cơ quan kiểm toán đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo sự minh bạch cao và trách nhiệm giải trình trước công chúng trong mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và báo cáo bất cứ dấu hiệu, hành vi tham nhũng phát hiện được đến Quốc hội. Cơ quan kiểm toán thực hiện hoạt động kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với tất cả các hoạt động của khu vực công của Niu Di-lân. Tổng Kiểm toán thực hiện các báo cáo độc lập về việc bảo đảm các hoạt động tài chính công đang được thực hiện đúng quy định, các báo cáo tài chính đảm bảo tính đúng đắn và hợp pháp; sự tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định và hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động của các cơ quan, tổ chức khu vực công. Tổng Kiểm toán có thẩm quyền lớn trong việc tiếp cận với mọi thông tin. Quyền lực này bảo đảm các cơ quan khu vực công luôn phải công khai, minh bạch trong mọi hoạt động và trong sử dụng ngân sách. Sự công khai, minh bạch thông tin từ các cơ quan công quyền đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời là một trong những nhân tố giúp Niu Di-lân giảm thiểu được tham nhũng ở mức độ thấp nhất.

    Văn phòng Thanh tra xem xét, thanh tra, điều tra các trình báo, khiếu nại, tố cáo của người dân về các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý hành chính của các cơ quan khu vực công; cung cấp tư vấn, hướng dẫn để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân được đối xử công bằng trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, từ đó duy trì lòng tin của công chúng đối với các cơ quan chính phủ; điều tra các cơ quan chính phủ nếu các cơ quan này từ chối hoặc thất bại trong việc cung cấp thông tin được yêu cầu theo Luật Thông tin (quy định quyền tự do của người dân trong việc tiếp cận thông tin về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động của các cơ quan khu vực công, các cơ quan phải đáp ứng thông tin theo yêu cầu của người dân trong vòng 20 ngày làm việc). 

    Cơ quan giám sát cảnh sát độc lập có nhiệm vụ điều tra độc lập các khiếu kiện của tổ chức, cá nhân đối với cảnh sát Niu Di-lân, giám sát hoạt động của cơ quan cảnh sát. Cơ quan này nhận các khiếu kiện liên quan đến các nhân viên cảnh sát và các chính sách, thủ tục, hoạt động của cảnh sát; điều tra các khiếu kiện đó và đưa ra các đề xuất hoặc lời khuyên cho các cơ quan có liên quan dựa trên các kết quả điều tra. Cùng với Ủy ban nhân quyền và cơ quan thanh tra, cơ quan này cũng giám sát việc quản lý của các trại giam, các điều kiện giam giữ và việc đối xử với những người bị cảnh sát bắt giữ và giam giữ.

    Vai trò, cơ chế hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Niu Di-lân và cam kết mạnh mẽ của chính phủ nước này đã giúp xây dựng một chính quyền minh bạch, vắng bóng tham nhũng./.

Phạm Thái Hà

(Ủy ban Kiểm tra Trung ương)

;
.