Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Năm, 10/03/2022, 16:28 [GMT+7]

    Sáng 10/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 9. Theo dự kiến chương trình phiên họp diễn ra theo hai đợt. Đợt 1 diễn ra trong 3,5 ngày, từ 10-16/3/2022 và đợt 2 diễn ra trong 4 ngày, từ 22-25/3/2022.

    Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khối lượng công việc khá lớn cho công tác lập pháp. Trong đó, cho ý kiến đối với 3 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, cho ý kiến với 2 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

    Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua 1 pháp lệnh, 1 nghị quyết và đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 gồm dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp (ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp (ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
    Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng hồ sơ tài liệu các dự án luật này khá công phu và kỹ lưỡng và đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này.
 
    Việc xây dựng các dự án luật này nhằm kịp thời thể chế hóa và cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, kịp thời khắc phục những vướng mắc hiện nay trong thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn, phòng chống bạo lực gia đình và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
 
    Các dự án trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 gồm Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật điện ảnh (sửa đổi). Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều buổi làm việc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến, chuyên gia, nhà khoa học, họp thẩm tra với bộ ngành hữu quan để thống nhất các vấn đề lớn.
 
    Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp thu, giải trình các ý kiến được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét đầy đủ tác động của các chính sách, bám sát và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tiếp thu ý kiến xác đáng, giải trình thấu đáo thuyết phục bảo đảm chất lượng hai dự án luật có tính khả thi, chất lượng, thuyết phục cao khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới. Ngoài ra cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
 
    Đối với các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp lần này gồm dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Cho biết đây là hai dự án trình thông qua theo thủ tục rút gọn, để tạo tạo thuận cho việc xem xét tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sâu sắc, nhiều chiều, bảo đảm cho các nội dung tạo được sự đồng thuận thuyết phục cao trước khi thông qua.
 
    Về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ hồ sơ, tài liệu dự án luật có đủ điều kiện bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hay không.
 
    Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 3 phiên họp gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều chủ động, linh hoạt điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và theo đề nghị các cơ quan. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Các cơ quan cần có kế hoạch, lộ trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn, thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra để đảm bảo thực hiện thực chất, hiệu quả hơn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
 
    Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm kỳ khóa XV đã có Kết luận số 19 của Bộ Chính trị với 137 nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh cụ thể, do đó, các cơ quan cần chủ động trong thực hiện, đồng thời linh hoạt, khẩn trương, quyết liệt trong hoàn thiện khung khổ pháp lý.  
 
    Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã tổ chức thành công phiên chất vấn; ngoài chất vấn tại kỳ họp, thời gian quan các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức giải trình và tới đây tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.
 
    Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cũng với giám sát tối cao những chuyển chuyên biến tích cực trong hoạt động chất vấn đã khẳng định hoạt động giám sát trực tiếp của Quốc hội lan tỏa hành động, sáng tạo, đổi mới trong giám sát làm cho hoạt động của Quốc hội bám sát thực tiễn hơi thở cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu của cử tri và nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do dân và vì dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân. Tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày để chất vấn đề hai vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên và môi trường đang rất thời sự hiện nay.
 
    Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tế, tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan; lường trước vấn đề, kỹ lưỡng khách quan, thận trọng, tỉ mỉ lắng nghe nhiều bên để khắc phục những sơ hở nếu có ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý, thực tiễn đặt ra và trong yêu cầu quản lý.
 
    Theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.
 
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế của các chuyên đề giám sát này. Đồng thời, để tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2022.
 
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
 
    Về xem xét các vấn đề quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.
 
    Với thời lượng thực họp khoảng 7,5 ngày, chia làm hai đợt và 19 nội dung lớn được xem xét, quyết định tại phiên họp này, khối lượng nhiều nhất từ đầu năm đến nay để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội, nhấn mạnh thời gian và khối lượng công việc của phiên họp thể hiện tính chất quan trọng phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung cao độ, cố gắng cao nhất hoàn thành chương trình phiên họp với chất lượng tốt nhất.
 
    Sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo TTXVN
.