Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III

Thứ Hai, 27/12/2021, 09:12 [GMT+7]

    Sáng 26/12/2021, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III. Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

    Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi đến các vị đại biểu dự Đại hội cùng toàn thể đội ngũ luật sư cả nước những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Xin chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.

    Thưa toàn thể Đại hội,
 
    Cách đây 76 năm, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 46 về tổ chức đoàn thể luật sư, mở ra một thời kỳ mới trong việc thực hiện quyền bào chữa và nghề luật sư của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Một năm sau, Quốc hội nước ta đã thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, trong đó Điều 67 quy định: “Các phiên tòa án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Các bản Hiến pháp về sau của nước ta cũng đều quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Những nguyên tắc Hiến định đó đã tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ luật sư Việt Nam không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước trong những năm qua.
 
    Mỗi kỳ Đại hội Luật sư toàn quốc là một dịp để chúng ta cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của Luật sư Việt Nam; trong đó có những luật sư tiêu biểu - những trí thức yêu nước, đầy nhiệt huyết cách mạng như luật sư Phan Anh, luật sư Vũ Trọng Khánh, luật sư Trần Công Tường, luật sư Nguyễn Văn Hưởng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và rất nhiều luật sư khác đã đoàn kết, quy tụ dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận tuỵ phấn đấu vì công lý, công bằng cho mọi người dân, sẵn sàng dấn thân vào con đường gian khổ, cứu dân, cứu nước, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.  
 
    Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III là một sự kiện quan trọng, tiếp tục khẳng định sự phát triển lớn mạnh không ngừng về tổ chức và hoạt động của Luật sư Việt Nam trong những năm qua. Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của giới luật sư Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 3. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 3 (ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
    Thưa toàn thể Đại hội,
 
    Trong những năm qua, đội ngũ luật sư trong cả nước đã nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh.
 
    Các luật sư đã tham gia bào chữa trong nhiều vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, góp phần phân tích, thẩm định, đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho quá trình giải quyết các vụ án được khách quan, công bằng, đúng pháp luật, bảo đảm công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Niềm tin của công dân, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đối với đội ngũ luật sư Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường. Nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước.
 
    Cùng với đó, sự trưởng thành, lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ qua đã cho thấy Liên đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn luật sư, các luật sư trong cả nước; tập hợp và tổ chức, động viên luật sư tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống các vi phạm; góp phần củng cố và tăng cường pháp chế trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động xã hội. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp với giới luật sư Việt Nam, góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
 
    Tuy nhiên, nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tỷ lệ luật sư trên số dân ở nước ta vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển trên thế giới. Chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế. Phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận nhỏ luật sư chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Một số luật sư chưa nhận thức đầy đủ sâu sắc trách nhiệm chính trị, pháp lý, trách nhiệm xã hội cao quý của nghề luật sư, chưa gương mẫu chấp hành pháp luật về hành nghề luật sư, thậm chí một bộ phận nhỏ có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, nhận thức chính trị, có hành vi tiêu cực, chạy án, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư vốn rất đáng trân trọng trong xã hội.
 
    Bên cạnh đó, năng lực tự quản của một số đoàn luật sư còn hạn chế, lúng túng; nhận thức về trách nhiệm tự quản và quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư chưa toàn diện. Việc giám sát, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương ở một số đoàn luật sư còn chưa nghiêm nên chưa có tính răn đe và hiệu quả không cao. Công tác quản lý nhà nước về luật sư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo củng cố, kiện toàn đoàn luật sư; có nơi, sự lãnh đạo của đảng đoàn, cấp ủy còn nơi lỏng, chưa bảo đảm đúng quy định. Hoạt động của một số Ủy ban của Liên đoàn còn chưa đều, chưa tập trung được nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đạt hiệu quả như mong muốn.
 
    Thưa toàn thể Đại hội,
 
    Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng đang đặt ra những nhiệm vụ mới mới hết sức nặng nề. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, đòi hỏi của đất nước, của nhân dân đối với nghề luật sư và đội ngũ luật sư ngày càng cao hơn. Việc chăm lo xây dựng đội ngũ luật sư, phát triển cả số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động không chỉ là trách nhiệm của mỗi luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, mà cũng chính là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chúng ta.
 
    Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị xác định “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn” đáp ứng sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 33 ngày 30/3/2009 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa nhiều chủ trương lớn của Đảng, trong đó có việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân liên quan trực tiếp tới hoạt động hành nghề luật sư. Lần đầu tiên nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp.
 
    Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015… đã tăng cường và bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho luật sư hành nghề thuận lợi, góp phần nâng cao quyền hạn, trách nhiệm, vị thế của luật sư.
 
    Đặc biệt, gần đây, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định cần chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, trong đó có các nghề bổ trợ tư pháp.
 
    Việc lựa chọn chủ đề của Đại hội lần này là: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã cho thấy rõ sự nỗ lực và quyết tâm chính trị rất lớn của Liên đoàn luật sư Việt Nam, của đội ngũ luật sư cả nước trong nhiệm kỳ tới.
 
    Để thực hiện thành công chủ đề này, Đại hội chúng ta cần thảo luận thật kỹ lưỡng để thống nhất cao những nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ luật sư và phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ mới. Báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình Đại hội đã nêu đầy đủ tổng kết công tác trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng công tác trong 5 năm tới. Tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo của Liên đoàn và xin nhấn mạnh, gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội chúng ta cùng thảo luận, thống nhất.
 
    Thứ nhất, xin nói về trách nhiệm của luật sư. Hơn bao giờ hết, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động. Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước.
 
    Bên cạnh đó, uy tín và danh tiếng nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật, đồng thời phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc tích cực tham gia hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác. Muốn vậy, bản thân mỗi luật sư cần tự ý thức và hành động nỗ lực hết mình để không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức, bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp, hoàn thiện kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp của mình.
 
    Luật sư phải luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phải biết nói không với tiêu cực, tuyệt đối không tiếp tay, không tham gia chạy án, không có hành vi trái với quy định pháp luật. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, luật sư Việt Nam cần nỗ lực học tập, nghiên cứu cả về ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyên môn pháp luật quốc tế, luật pháp của các nước để có thể theo kịp và đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
 
    Do vậy, việc phát triển đội ngũ luật sư cần đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, không chạy theo số lượng để đảm bảo xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, ngang tầm nhiệm vụ.
 
    Thứ hai, đối với Liên đoàn Luật sư, trách nhiệm cơ bản, quan trọng và thường xuyên là phối hợp cùng với cơ quan quản lý nhà nước về luật sư để quyết tâm thực hiện được mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quốc gia, dân tộc.
 
    Muốn vậy, Liên đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định của Luật Luật sư năm 2012, đặc biệt thực hiện thật tốt 19 nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 65 của Luật.
 
    Chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật cho đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta; nâng cao hình ảnh, uy tín nghề nghiệp, địa vị của luật sư đối với xã hội; giữ vững niềm tin của nhân dân, của xã hội, của khách hàng với đội ngũ luật sư nước ta.
 
    Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, kịp thời phát hiện uốn nắn những sai sót của luật sư; kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp; loại bỏ khỏi đội ngũ luật sư những cá nhân thoái hoá, biến chất, lợi dụng hoạt động luật sư để trục lợi, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân.
 
    Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, Liên đoàn cần tăng cường hợp tác quốc tế về luật sư, tạo điều kiện để luật sư Việt Nam giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chủ động và tích cực tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các tranh chấp pháp lý quốc tế.
 
    Để các luật sư của nước ta có thể thành công trên sân nhà và gặt hái kết quả khi bước vào sân chơi chung của quốc tế, đề nghị Liên đoàn có biện pháp xây dựng các nhóm luật sư chuyên sâu để tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật, công tác rà soát thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho người dân. Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ về chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
 
    Tại Đại hội này, tôi cũng ghi nhận các kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ý kiến các đại biểu và sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu giải quyết, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư và đoàn luật sư.
 
    Thưa toàn thể Đại hội,
 
    Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III là dịp để các luật sư nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta, quán triệt đầy đủ tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong sạch, vững mạnh. Qua đó cùng nhau ý thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh cao quý của nghề nghiệp luật sư để nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm phục vụ cộng đồng, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
 
    Một lần nữa, tôi đánh giá cao những đóng góp, thành tích của đội ngũ luật sư Việt Nam, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ 2016-2021. Tôi mong đội ngũ luật sư cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và niềm tự hào của nghề luật sư, tiếp nối các vị luật sư tiền bối, lan tỏa tinh thần đoàn kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế; có nhiều cách làm hay, hoạt động hiệu quả để xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam ngày càng lớn mạnh, ngang tầm nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
 
    Xin chúc các đại biểu cùng toàn thể các luật sư Việt Nam luôn mạnh khoẻ, thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xứng đáng với truyền thống đoàn kết, yêu nước, phụng sự nhân dân của các thế hệ luật sư đi trước, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
    Chúc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ban Lãnh đạo nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục phát triển vững mạnh toàn diện, xứng đáng là ngôi nhà chung tin cậy của Luật sư Việt Nam.
 
    Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu và Đại hội.
TTXVN/Báo Tin tức
.