Kiểm tra công tác cải cách hành chính và chính sách dân tộc tại tỉnh Vĩnh Phúc
Thứ Tư, 15/07/2020, 14:38 [GMT+7]
Đoàn kiểm tra của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về công tác cải cách hành chính và chính sách dân tộc.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc tăng 4 bậc về Chỉ số cải cách hành chính. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh nằm trong nhóm có điểm số cao nhất. Tỉnh xác định công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Vĩnh Phúc đã triển khai áp dụng thực hiện nhiều giải pháp triển khai đồng bộ mang lại hiệu quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, như: Tăng cường thực hiện các giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh cải cách quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện của 825 thủ tục hành chính; kiện toàn và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan, ban ngành, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã triển khai thực hiện việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh quan tâm tổ chức triển khai, trong đó 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối internet; Việc liên thông với UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành được thực hiện qua trục liên thông văn bản quốc gia...
Đối với chính sách dân tộc, tỉnh đã quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở nơi mình sinh sống; làm tốt công tác tuyên truyền để khắc phục được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở; tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội cơ bản được ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh, với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần Sân bay quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, Vĩnh Phúc cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phải phát huy được các tiềm năng, thế mạnh lớn của địa phương trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Cùng với đó, cần gắn cải cách hành chính, thực hiện các chính sách dân tộc với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Bên cạnh đó, tỉnh cần gắn cải cách hành chính, thực hiện các chính sách dân tộc với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TƯ ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bắc Văn