Ngành Tư pháp: Tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thứ Bảy, 04/01/2020, 06:41 [GMT+7]
Năm 2019 Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác; công tác chỉ đạo điều hành của toàn ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm; việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW), sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013 được thực hiện khẩn trương, đồng bộ.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện; chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao; chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu; công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục đạt nhiều kết quả cao; tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia về "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam"; bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; các lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả đó tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
Bước sang năm 2020, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và cũng là năm kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp. Các nghị quyết của Đảng; Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ trực tiếp cho Bộ, ngành Tư pháp. Trong bối cảnh đó, Báo cáo của Bộ Tư pháp đã xác định rõ các phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác, trong đó tập trung vào 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Một là, tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng, nghiên cứu xây dựng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện và triển khai thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sau khi được Quốc hội thông qua.
Hai là, nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật.
Ba là, chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh xử lý văn bản đã được phát hiện, kết luận không phù hợp với quy định; tập trung cao cho việc rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành; xác định rõ những văn bản, quy định không còn phù hợp để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, nhất là các văn bản, quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật.
Năm là, tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước và bổ trợ tư pháp; tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III; đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng, vận hành hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sáu là, triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư đối với kết quả tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021” và Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2018 - 2022”.
Bảy là, tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; chú trọng phòng ngừa các tranh chấp quốc tế; nâng cao năng lực cán bộ pháp chế, tư pháp trong tham gia giải quyết các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện có yếu tố nước ngoài liên quan tới cơ quan nhà nước Việt Nam; hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho việc thực thi Công ước sau khi gia nhập. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế phục vụ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Tám là, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, nhất là việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp Phiên bản 2.0. Xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành; tiếp tục thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và nghiên cứu mở rộng ra các lĩnh vực khác có nhu cầu cao của người dân, doanh nghiệp.
Thu Hương