Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phòng, chống rửa tiền

Thứ Ba, 19/11/2019, 09:48 [GMT+7]
    Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP, ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
 
    Theo đó, Nghị định quy định: Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền, bao gồm: Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không hoạt động hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 116/2013/NĐ-CP. 
 
 Một cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì
Một cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì
    Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính được quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.
 
    Việc phong tỏa tài khoản theo Điều 23 của Nghị định 116/2013/NĐ-CP được sửa đổi nhằm phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản. Theo đó, đối tượng báo cáo thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án và pháp luật thanh tra có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản và chịu trách nhiệm về quyết định này. Việc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung tối thiểu sau: Tên đối tượng báo cáo phải thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; tên đầy đủ của chủ tài khoản hoặc cá nhân, tổ chức liên quan đến tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tài khoản bị phong tỏa hoặc danh mục tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu và kết thúc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; lý do yêu cầu thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; hoặc theo biểu mẫu trong tố tụng hình sự. Đối tượng báo cáo phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng văn bản ngay sau khi thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
 
    Tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP còn quy định: Khi thực hiện 04 hành vi sau, tổ chức cá nhân có thể bị nghi ngờ liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố:
 
    Thứ nhất, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
    Thứ hai, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách những tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thế giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo.
 
    Thứ ba, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tội tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam.
 
    Thứ tư, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác.
Nghị định này cũng sửa đổi quy định về chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch liên quan tới công nghệ mới;…
 Thu Hà
.