Xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật và gắn với cải cách pháp luật, cải cách tư pháp

Thứ Sáu, 04/10/2019, 17:02 [GMT+7]
    Ngày 03-10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW. Đồng chí Lê Thành Long, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.
 
    Theo dự thảo Báo cáo, trong giai đoạn 2005-2019, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện; công tác xây dựng và hoàn thiện trên các lĩnh vực cơ bản được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước; hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế đã được xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
 
    Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, với nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, còn có dự án luật chồng chéo, mâu thuẫn; công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chế tài pháp lý chưa thực sự nghiêm khắc, vẫn còn hiện tượng “nhờn” luật trên một số lĩnh vực.
 
    Nhìn nhận các nguyên nhân chủ quan và khách quan, dự thảo Báo cáo đưa ra các định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tiếp tục phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, phục vụ hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật… Hướng tới mục tiêu này, dự thảo kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền nói chung, trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nói riêng.
 
    Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo kiến nghị ưu tiên ban hành các dự án luật, pháp lệnh phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tăng cường hoạt động giám sát đối với việc tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời, kiến nghị bổ sung các nội dung về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
 
    Đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo. 
 
    Phát biểu tại Hội nghị, ghi nhận tất cả các góp ý, Đồng chí Lê Thành Long, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu khi đánh giá phải bám sát mục đích, nội dung, định hướng chung và định hướng cụ thể, có lập luận rõ ràng, nhiều đánh giá có thể lượng hóa được. Về các kiến nghị, Bộ trưởng nhận thấy các ý kiến cơ bản nhất trí nếu có thể được thì “nâng tầm” cơ quan ban hành là nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Về phạm vi, do lịch sử nên đã có 2 Nghị quyết riêng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật và về cải cách tư pháp nhưng tới đây cần nhìn hệ thống pháp luật với tư cách là một chỉnh thể thống nhất, từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật và gắn với cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. Liên quan đến Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng thống nhất này để Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.
                                                                                         Thu Hương
.