Bộ Tư pháp: Góp ý xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá về nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Hai, 30/09/2019, 15:58 [GMT+7]
    Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá về nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu. Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, ngày 12-9-2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với các bộ, cơ quan ngang bộ và một số cơ quan có liên quan để thảo luận, góp ý dự thảo Báo cáo.
 
Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp
    Tại cuộc họp, về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo Báo cáo; đồng thời chia sẻ với Bộ Tư pháp vì những nội dung mà dự thảo Báo cáo đề cập đều là những vấn đề lớn, phức tạp và nhạy cảm. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã góp ý cụ thể vào dự thảo Báo cáo. Về nội dung đánh giá nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật: các bộ, ngành, địa phương đồng tình với “hướng đi” của dự thảo Báo cáo là phân tích quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để từ đó phát hiện, đánh giá nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong từng bước, từng công đoạn của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung tham nhũng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật do nguyên nhân chủ quan từ phía người có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cùng với đó cần đánh giá thêm tình hình thực tiễn về phòng ngừa nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung những ví dụ thực tiễn để minh họa.
 
    Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung một số giải pháp phòng ngừa nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, cần bổ sung cơ chế trao đổi lại việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định, nhất là trường hợp cơ quan thẩm định không nhất trí với việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định; tăng cường năng lực cho người làm công tác pháp chế trong việc nhận diện nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
                                                                                   Thu Hương
.