Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị đúng tinh thần Hội nghị Trunng ương 4 (khóa XIII)

Thứ Năm, 03/02/2022, 03:16 [GMT+7]
    1. Yêu cầu đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nhiệm kỳ XIII
 
    Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đặt ra mục tiêu là “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm”; “Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(1).
 
    Chính đây là những yêu cầu rất to lớn và quan trọng đối với công tác đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng mục tiêu này trong tình hình mới. Đào tạo, bồi dưỡng là một trong những khâu quan trọng của công  tác cán bộ, tạo ra đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín. “Vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta cả trước mắt và lâu dài. Công tác cán bộ gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền và bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”(2).
 
Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
    Tình hình mới diễn ra trong thực tiễn và yêu cầu thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng trong nhiệm kỳ XIII đặt ra nhiệm vụ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, cần chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo nền nếp, kỷ cương; đổi mới nội dung theo hướng đáp ứng nhu cầu kiến thức, kỹ năng của cán bộ theo vị trí công tác, khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, đặc biệt chú trọng các nội dung về lý luận chính trị, tư tưởng lập trường, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu chức, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Yêu cầu cấp thiết đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới mang tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện ở những góc độ sau:
 
    Thứ nhất, trong nhiệm kỳ khóa XII và XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định khẳng định yêu cầu cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng tình hình mới. Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) yêu cầu “có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”. Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đặt ra nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt về lý luận chính trị để bảo đảm đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
    Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đặt ra nhiệm vụ “xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý”(3).
 
    Thứ hai, yêu cầu chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng nâng cao tiêu chuẩn. Chính vì thế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đổi mới kịp thời về nội dung để tạo ra đội ngũ cán bộ đáp ứng chuẩn. Theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về “khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng khung 5 tiêu chuẩn(4). Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên để đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ. 
 
    Thứ ba, nắm vững và vận dụng phù hợp lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu thiết thực, liên tục đối với từng cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”(5). Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng “lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên và xã hội và lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin,… là khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bóc lột; khoa học về thắng lợi của CNXH”(6). Mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định các giá trị thời đại của chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tránh giáo điều, áp đặt và duy ý chí. “Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”(7) là một trong những mục tiêu của Đảng trong khóa XIII. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có bổn phận, trách nhiệm trong việc hiện thực hóa mục tiêu này. Trước hết, cần giáo dục, đào tạo cán bộ đủ năng lực và bản lĩnh để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
 
    2. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần Hội nghị trung ương 4 khóa XIII
 
    Thứ nhất, tăng cường vai trò, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đào tạo, bồi dưỡng là hướng tới việc xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phù hợp với từng đối tượng cán bộ, chức danh, vị trí công việc bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh lãng phí.
 
    Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tham mưu đúng, trúng đối tượng đi học; bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo phù hợp, khắc phục tình trạng lệch lạc giữa vị trí việc làm và đào tạo, chạy theo bằng cấp. Xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện nghiêm việc phân cấp đào tạo, gắn với kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng.
 
    Thứ hai, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý Căn cứ vào khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được quy định tại Quy định số 89(8), các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần thiết kế phù hợp, thỏa mãn nhu cầu kiến thức, kỹ năng chức danh của cán bộ các cấp. Mỗi ngành, mỗi cấp cụ thể hóa khung tiêu chuẩn, phối hợp với cơ sở đào tạo để xây dưng nội dung, chương trình phù hợp đáp ứng nhu cầu kiến thực, kỹ năng, thái độcho cán bộ của mình. Khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý gồm: (1) Chính trị tư tưởng: Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, CNXH và đường lối đổi mới của Đảng... (2) có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong  nội bộ;… (3) có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và theo quy định của Đảng, Nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp; (4) có năng lực và uy tín; tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo; có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; gương mẫu, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm; (5) đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định; có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý. 
 
    Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) đề ra nhiệm vụ “tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân”(9). Đào tạo, bồi dưỡng phải thiết thực, trang bị, cập nhật cho cán bộ phương pháp luận, năng lực tư duy logic, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo đủ khả năng nhận biết, phân tích, giải quyết vấn đề thực tiễn, hạn chế lý luận kinh viện, hàn lâm, đồng thời khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm. Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Hồ Chí Minh đã dạy: “Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”, “thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng”. Việc nắm bắt các quy luật khách quan cho phép cán bộ, đảng viên đưa ra những quyết định phù hợp đáp ứng tốt vấn đề thực tiễn. Ngược lại, việc tổng kết thực tiễn chính xác sẽ góp phần làm giàu thêm cơ sở lý luận. Tương quan hữu cơ này gắn kết sự nhận thức thực tiễn khách quan, khả năng nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên với việc xử lý các vấn đề thực tiễn dựa trên cơ sở khoa học, hạn chế tới mức có thể kinh nghiệm, cảm tính.
 
    Chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cần phải đổi mới, phù hợp, linh hoạt đáp ứng nhu cầu cán bộ, đảng viên đi học. Khung chương trình bảo đảm yêu cầu về tính mở và lựa chọn. Chương trình đào tạo thiết kế mở để có thể điều chỉnh chuyên đề cho phù hợp với từng đối tượng học và trình độ người học, kỳ vọng tri thức của người học đối với hoạt động thực tiễn.
 
    Thứ tư, thực hiện chế độ học tập lý luận chính trị nền nếp Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) đề ra nhiệm vụ “xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý”(10). Bồi dưỡng, cập nhật mang tính thường xuyên, bắt buộc theo định kỳ đối với cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu tình hình mới(11). Nội dung chương trình bồi dưỡng bảo đảm cập nhật kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại đối tượng ở từng vị trí công tác; phù hợp tình hình mới và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương, vùng, miền; vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của cán bộ, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ.
 
    Cán bộ, đảng viên phải biết vận dụng linh hoạt phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều hành thực tiễn; am hiểu và vận dung tri thức, kỹ năng lãnh đạo học vào công tác điều hành của mình. “Tiến hành đồng thời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên; học tập và “làm theo” Bác bằng những hành động cụ thể, hằng ngày, bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tạo sự lan tỏa tích cực trong Đảng và toàn xã hội”(12).
 
    Thứ năm, triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nền kinh tế thị trường mở với thế giới bên ngoài. Vì thế, Đảng đặt ra mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Tới năm 2030: (1) Cán bộ cấp chiến lược từ 40-50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; (2) cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương từ 50-60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; (3) cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh từ 25-35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế(13). Để thực hiện mục tiêu này, cần phải xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ, xác định lộ trình, nguồn lực tài chính để đào tạo, bồi dưỡng. Những nhóm kiến thức, kỹ năng chính cần thiết cho cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế gồm: (1) Năng lực chuyên môn; (2) pháp luật, thông lệ quốc tế; (3) đạo đức, văn hóa trong môi trường quốc tế; (4) phong cách, phương pháp làm việc; (5) kỹ năng giao tiếp, phản biện, đàm phán quốc tế; (6) thành thạo ngoại ngữ và tin học(14). Để đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế, các nhóm kiến thức, kỹ năng cần tích lũy lâu dài, thường xuyên, liên tục thông qua nhiều trường lớp và hoạt động thực tiễn. Nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đóng vai trò tích cực trong trang bị đầy đủ các tri thức và kỹ năng làm việc tốt trong môi trường quốc tế.
 
    Thứ sáu, tăng cường đánh giá chất lượng và kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
 
    Đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những công cụ quan trọng trong quản lý đào tạo. “Hình thành hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo, các chương trình đào tạo, quy trình và tiêu chí đánh giá cán bộ sau đào tạo”(15). Trước hết, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng như căn cứ kiểm tra, giám sát chất lượng. Việc thực hành đánh giá cần được tiến hành định kỳ để xây dựng cơ sở dữ liệu mô tả quá trình định tính và định lượng kết quả đào tạo, bồi dưỡng.
 
    Một trong bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là đánh giá học viên trong quá trình và sau đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cần đánh giá học viên ở các góc độ: (1) Kết quả học tập các môn học chuyên môn (kiến thức); (2) rèn luyện tác phong, đạo đức, kỷ luật, ý thức tham gia các hoạt động thực tế (thái độ, phẩm chất). Việc đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng là ghi nhận hiệu quả của đào tạo, bồi dưỡng khi học viên phát huy nội dung học tập vào công tác của bản thân. Đây là kênh thông tin phản hồi cần thiết để cơ quan tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có những điều chỉnh nội dung chương trình và cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng sát với nhu cầu học viên và cơ quan sử dụng học viên.
 
    Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng là yêu cầu thường xuyên, định kỳ, đột xuất để duy trì chất lượng và kỷ cương(16). Cần thiết xây dựng chế tài nghiêm minh để xử lý những sai phạm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Yêu cầu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đúng điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ, theo kế hoạch, thực hiện có nền nếp, đúng thực chất, tránh hình thức, chạy theo thành tích ảo.
 
    Kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được thực hiện thường xuyên và định kỳ, chặt chẽ. Khen thưởng và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên tự kiểm tra; thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng gồm: Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; xét, cử cán bộ đi học; phối hợp quản lý cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, sắp xếp cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng; xét duyệt tốt nghiệp và cấp phát bằng lý luận chính trị,… Xây dựng cơ chế thưởng phát nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
 
    (1) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”.
    (2) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021: Tài liệu đã dẫn.
    (3) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021: Tài liệu đã dẫn.
    (4) Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
    (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTGQ, H.2000, t.8, tr.492.
    (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.8, tr.497.
    (7) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021: Tài liệu đã dẫn.
    (8) Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
    (9) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021: Tài liệu đã dẫn.
    (10) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021: Tài liệu đã dẫn.
    (11) Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị “chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
    (12) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021: Tài liệu đã dẫn.
    (13) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 (Hội nghị Trung ương khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
    (14) PGS. TS. Vũ Thanh Sơn: Đào tạo đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 1+2/2020.
    (15) Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
    (16) Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/02/2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.
PGS. TS. Vũ Thanh Sơn
(Ban Tổ chức Trung ương)
.