Kết quả, kinh nghiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm qua và nhiệm vụ chủ yếu hiện nay

Thứ Ba, 01/02/2022, 07:10 [GMT+7]
    Năm 2022 vừa đúng 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947). Đây là tác phẩm có tính kinh điển của Người về xây dựng Đảng và lần đầu tiên đề cập công việc chỉnh đốn Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có quan hệ mật thiết bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đã tổng kết một số kinh nghiệm về xây dựng Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người đề cập sâu sắc về yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo trên cơ sở lắng nghe, bàn bạc với dân trước khi Đảng ra quyết định; yêu cầu về nâng cao trình độ lý luận của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên; về vai trò của cán bộ và công tác cán bộ; về cách lãnh đạo của Đảng; về 12 điều tư cách của một Đảng chân chính cách mạng; về tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Đặc biệt, Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên nắm các chức vụ trong bộ máy chính quyền nhà nước đã nảy sinh những căn bệnh như: Trái phép, Cậy thế, Tư túng, Hủ hóa, Chia rẽ, Kiêu ngạo, Tham lam, Lười biếng, Hiếu danh, Thiếu kỷ luật, Hẹp hòi, Bè cánh,... Những căn bệnh đó đều có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân - một thứ vi trùng độc hại và nguy hiểm. Phải trị bệnh tận gốc là loại trừ chủ nghĩa cá nhân.
 
    Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn luôn tuân thủ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội VI của Đảng (12/1986) khởi xướng công cuộc đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận, đổi mới tổ chức và phong cách lãnh đạo của Đảng. Hơn 35 năm đổi mới, tất cả các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều chủ trương tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều Hội nghị Trung ương như Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (năm 1992), Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (năm 1999) và nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (01/2012), Nghị quyết Đại hội XII (01/2016) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (10/2016), xây dựng và chỉnh đốn Đảng được thực hiện bài bản, mạnh mẽ, có hiệu quả hơn, kết hợp rõ hơn giữa xây và chống. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (10/2021) và tại Hội nghị xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn quốc (09/12/2021) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh toàn diện đồng thời chú trọng những việc trọng yếu tạo sự đột phá trong nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo.
 
    Đánh giá kết quả trong các  nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ khóa XII, Đại hội XIII đã nêu rõ: “Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ này đã đạt được kết quả toàn diện, trong đó nổi bật là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, PCTN, tiêu cực; sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị; đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới”(1).
 
    Những kết quả về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là rất căn bản và quan trọng cần được toàn Đảng và cả hệ thống chính trị nhận thức rõ đã vững tin vào những gì đã làm được và những nhiệm vụ, bước đi sắp tới. Đại hội XIII có một điểm mới và cũng là quan điểm cần được quán triệt: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị. Đó là yêu cầu khách quan, khoa học và bức thiết vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Trên thực tế, trong nhiệm kỳ khóa XII, Trung ương đã chỉ đạo rõ, cụ thể việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (10/2017) đã ban hành Nghị quyết Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nhiều tỉnh, thành phố đã sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế tạo ra chuyển biến tích cực gắn liền với cải cách hành chính. Các bộ, ngành của Trung ương giảm các tổ chức trung gian, tiêu biểu là Bộ Công an.
 
    Có được kết quả tích cực về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Trung ương và tổ chức thực hiện nghiêm túc; sự đoàn kết và đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nâng cao; phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước chủ động, tích cực đề cao trách nhiệm và thực hiện thường xuyên, kịp thời. Đại hội XIII cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”. “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ở một số nơi thực hiện chưa quyết liệt, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tinh giản biên chế chưa thực sự gắn liền với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. “Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”. “Công tác PCTN, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa chuyển biến rõ rệt”. “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng”.
 
    Có một thực tế là đến nay số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên sai phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật vẫn còn ở mức cao. Hầu hết các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều có nội dung xem xét thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên với cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Nhiệm kỳ khóa XII có hơn 100 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong đó có cả Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật. Năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (năm 2021) cũng đã có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, có cả Ủy viên Trung ương Đảng. Phải thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng nói lên điều gì? Rõ ràng là kỷ luật Đảng được siết chặt hơn, công tác tổ chức, kiểm tra, nội chính, quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ đã được thực hiện mạnh mẽ, kịp thời. Điều đó cũng cho thấy số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện vẫn còn đáng lo ngại, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở một số nơi, lĩnh vực còn hạn chế, kiểm soát quyền lực còn thiếu chặt chẽ.
 
    Trong số những đảng viên, cán bộ sai phạm bị xử lý kỷ luật phần đông vẫn mắc vào tham nhũng, trục lợi, lợi ích nhóm, nghĩa là bị những tham muốn vật chất chi phối, tiền bạc làm mờ mắt. Những người vi phạm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, không trung thực trong tự phê bình, phê bình, tìm mọi cách giấu giếm khuyết điểm dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, coi thường tổ chức và tập thể, chỉ khi bị phát hiện mới thừa nhận sai phạm. Một số khác sa vào ăn chơi, hưởng thụ, buông thả về lối sống, vi phạm chuẩn mực văn hóa đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tất cả các nhóm sai phạm đó đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ luật của Đảng và những điều quy định đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật và họ đều không giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng và danh dự của bản thân. 
 
    Không thể nhìn nhận kết quả và kinh nghiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua một cách biệt lập, riêng rẽ, không chỉ nhìn vào số liệu xử lý kỷ luật, bao nhiêu tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên mà phải thấy rõ sự tác động, vận hành của cả hệ thống chính trị, điều có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân trước thách thức nặng nề của đại dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay. Phải đặt ra câu hỏi nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của toàn dân, phát huy cao độ tính ưu việt của chế độ XHCN thì kinh tế - xã hội, cuộc sống của nhân dân và sự kiểm soát dịch bệnh không có được như ngày hôm nay. Đó chính là thước đo kết quả của xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội XIII khẳng định xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, kết hợp xây dựng và chỉnh đốn Đảng thật sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Đại hội XIII nêu rõ ưu điểm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua là thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và khẳng định: 
 
    “Kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó, xây dựng Đảng được tập trung đẩy mạnh, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, tăng cường. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu các cấp, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Nhiều vấn đề lớn, phức tạp đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, nay đã đạt được kết quả quan trọng”(2).
 
    Từ kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại hội XIII đã làm rõ một số kinh nghiệm. Đó là sự tổng kết kịp thời có ý nghĩa toàn cục và cũng để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự xem xét, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn quốc đã lưu ý, điều gì đã làm tốt thì tiếp tục phát huy, điều gì sai phải kiên quyết tự soi, tự sửa, điều gì không phù hợp thì điều chỉnh. Có thể khái quát và làm rõ một số kinh nghiệm: Đó là, phải nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên quyết vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn kết chặt chẽ với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. “Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó, xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách đồng thời xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá”(3). Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn và có bước đi phù hợp; kiên trì, cầu thị, lắng nghe, không cầu toàn, không chủ quan nóng vội, mất cảnh giác và không tự mãn với
thành tích đã đạt được.
 
    Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Đảng đã được trình bày đầy đủ, có hệ thống trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó là sự tổng kết từ quá trình lãnh đạo, đấu tranh của Đảng và cũng từ yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước hiện nay vì một đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc. Đó cũng là đòi hỏi khách quan để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Vì vậy, toàn Đảng phải nắm vững các nhiệm vụ đó để thực hiện nghiêm túc với chất lượng mới và thiết thực, có hiệu quả.
 
    Cần thiết phải nhấn mạnh một số nội dung nổi bật trong các nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
 
    Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới. Xử lý đúng đắn quan hệ giữa kiên định và phát triển sáng tạo, giữa nguyên tắc và đổi mới. Chỉ có đổi mới và sáng tạo mới thành công. Phải giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng gắn liền với nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của Đảng. Đấu tranh phản bác có hiệu quả những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Thực hiện nghiêm các nguyên  tắc, quy định của Đảng. Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, bè phái. Chú trọng chất lượng hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chống nguy cơ sai lầm về đường lối. Đường lối bám sát thực tiễn và nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa.
 
    Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Phải đặt lên hàng đầu việc nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, đó là nền tảng tư tưởng của Đảng. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính chiến đấu, tính thực tiễn. Làm cho tư  tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào đời sống xã hội, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, sai trái. Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng. Nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng trên cơ sở đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
 
    Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Trước hết là đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, có hiệu quả gắn liền với đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với điều kiện mới. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đấu tranh có hiệu quả chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng. Nâng cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự và lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên. Biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống. Đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Kết hợp đề cao kỷ luật, kỷ cương, pháp luật với bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống.
 
    Học tập và noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trên những nội dung căn bản. Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của sự nghiệp cách mạng lên trên hết, trước hết, “Dĩ công vi thượng”, không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng, mưu lợi riêng, không phạm những tiêu cực khác. Trung thực với Đảng, với tập thể, với đồng chí, đồng sự, thương yêu nhân dân, sống vì mọi người, không làm điều gì khuất tất. Khiêm tốn, giản dị, trong sạch, ham học hỏi và trọng danh dự.
 
    Chú trọng xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị bao gồm tổ chức đảng, chính quyền nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng gắn với kiên quyết đấu tranh PCTN, lãng phí và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. 
 
    Toàn bộ nhiệm vụ xây dựng Đảng được Đại hội XIII xác định là toàn diện, sâu sắc, có những điểm phát triển mới và đều hướng tới một vấn đề căn bản, “then chốt” là công tác cán bộ. Đại hội XIII nêu rõ: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”(4).
 
    Luôn luôn ghi nhớ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng; công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. “Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(5).
 
    Ở mọi thời kỳ cách mạng, để có được đội ngũ cán bộ tốt, trung thành và tận tụy là kết quả sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, sự đào tạo, huấn luyện của Đảng, sự tôi luyện từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và coi trọng cán bộ, chăm sóc và bảo vệ cán bộ. Nhiều năm nay công tác cán bộ còn tuân thủ quy trình chặt chẽ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ. Đại hội XIII và chủ trương của Trung ương hiện nay nhấn mạnh việc khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận khó khăn, thách thức, dám đổi mới, sáng tạo. Để làm được điều đó phải có quan điểm cởi mở để mỗi cán bộ thoát ra khỏi tâm lý sợ làm sai, sợ trách nhiệm và vi phạm kỷ luật, pháp luật, đồng thời, phòng ngừa trong tập thể thái độ đố kỵ, kèn cựa, không muốn người khác giỏi hơn mình. Phấn đấu để ngày càng có nhiều cán bộ giỏi, tốt trên tất cả các lĩnh vực: cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; cán bộ khoa học, kỹ thuật; cán bộ các lực lượng vũ trang; cán bộ quản lý các doanh nghiệp.
 
    Quy định mới số 37 của Trung ương về những điều đảng viên không được làm nhằm tăng cường kỷ luật Đảng, quản lý tốt hơn cán bộ, đảng viên, góp phần kiểm soát quyền lực, đồng thời cảnh báo, ngăn chặn sai phạm của cán bộ, đảng viên, cũng là góp phần bảo vệ cán bộ, đảng viên. Trong cuộc sống và thi hành chức trách, nhiệm vụ, bất cứ ai cũng cần nhận rõ những điều phải làm, những điều không nên làm và những điều không được làm. Trung ương cũng đã có quy định về vấn đề miễn nhiệm, từ chức của cán bộ giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị. Đó là yêu cầu cần thiết và cũng là ứng xử có văn hóa đối với cán bộ khi thực thi công cụ. Khi tự thấy mình không có đủ năng lực, uy tín đảm đương chức vụ hoặc chịu trách nhiệm về việc xảy ra thuộc phạm vi mình quản lý thì rất cần tự giác từ chức. Việc làm đó (văn hóa từ chức) không làm mất danh dự của cán bộ đó mà còn có ấn tượng tốt. Khi xét thấy cán bộ lãnh đạo, quản lý có sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện cho miễn nhiệm mà không đợi hết nhiệm kỳ. Đó là sự sàng lọc cần thiết để lựa chọn được ngày càng nhiều những cán bộ giỏi và tốt thật sự vì nước, vì dân.
 
    Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên mãi mãi soi vào tấm gương của Bác Hồ vĩ đại cả về trí tuệ, tư tưởng, đạo đức và tình yêu thương nhân dân, quý trọng con người. Cuộc đời Bác đã một lần bị quân thù kết án tử hình vắng mặt (năm 1929), hai lần bị kẻ địch cầm tù (năm 1931, 1942). Biết bao gian khó, cay đắng phải vượt qua để Người đi đến kết luận: “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Ở mọi thời kỳ cách mạng, Đảng đều có những nhà lãnh đạo, những cán bộ, đảng viên trở thành những tấm gương tiêu biểu. Riêng thời kỳ đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền năm 1930-1945 đã có 4 Tổng Bí thư hy sinh: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ; nhiều nhà lãnh đạo cấp cao không được thấy ngày đất nước độc lập: Châu Văn Liêm, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến, Phùng Chí Kiên, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ.
 
    Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã biến nhà tù Côn Đảo thành địa ngục trần gian. Kẻ thù bắt các tù nhân cộng sản phải ly khai Đảng, rời bỏ lý tưởng cách mạng. Đó là cuộc đấu tranh một mất một còn và đã nổi lên 5 ngôi sao sáng: Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một. Chính kẻ thù đã phải nói với các anh: “Vũ lực không thể thắng được trái tim những người cộng sản”. Có một chuyện vô cùng cảm động về người tù chính trị không phải đảng viên, ông già Cao Văn Ngọc, sinh năm 1897, ở Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông đã kiên cường đấu tranh bảo vệ Đảng và lãnh tụ. Cai ngục đã hỏi ông vì sao ông không là đảng viên mà quyết đấu tranh như vậy? Ông đã trả lời: “Cụ Hồ giải phóng cho dân tộc khỏi ách nô lệ, tôi mang cái nợ đó, tôi phải trả suốt đời”. Ông đã nói với các đồng chí cùng phòng giam gọi là Chuồng Cọp: “Mấy chú là đảng viên, mấy chú được chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, được chết cho lý tưởng cộng sản thì còn vinh dự nào bằng”. Cuộc đời chiến đấu của Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, Trần Trung Tín và những chiến sĩ kiên cường là bản anh hùng ca bất diệt. Ngày Xuân nhắc lại chuyện xưa, truyền thống anh hùng của Đảng để thêm tự hào và cùng suy ngẫm về trách nhiệm nêu gương hôm nay.
 
    Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ vì bản thân Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, mà vì đất nước, nhân dân. Đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc chính là thước đo năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và cũng là kết quả của xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
 (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, t.2, tr.220-221.
    (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.2, tr.218-219.
    (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.2, tr.227.
    (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.1, tr.27.
    (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.313.
PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc
(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
.