Hải Dương: Triển khai thực hiện 205 cuộc thanh tra hành chính
Thứ Hai, 06/01/2020, 16:48 [GMT+7]
Năm 2019, toàn ngành Thanh tra Hải Dương triển khai thực hiện 205 cuộc thanh tra hành chính và 421 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền hơn 77,5 tỷ đồng và 600m2 đất; kiến nghị thu hồi hơn 25 tỷ đồng và 600m2 đất; kiến nghị giảm giá trị quyết toán hơn 39,9 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác hơn 12,6 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 7,2 tỷ đồng.
Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện 38 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 6 cuộc thanh tra đột xuất; ban hành kết luận thanh tra 34 cuộc; kết thúc thanh tra tại đơn vị 3 cuộc; đang thanh tra 7 cuộc. Thanh tra tỉnh và Thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện 33 cuộc thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Thanh tra tỉnh thực hiện 4 cuộc; thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện 29 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện 18 đơn vị có vi phạm, đã kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Các đại biểu dự Hội nghị tập huấn Thanh tra tỉnh Hải Dương |
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị luôn duy trì lịch tiếp công dân định kỳ. Lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm, dành nhiều thời gian đối thoại, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của công dân; đơn thư được xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý, nhiều vụ việc xảy ra được giải quyết ngay từ cơ sở. Do đó, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết cơ bản những tình hình nổi cộm, không có vụ việc nào quá phức tạp. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc sở, huyện và chủ tịch UBND cấp xã trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện xây dựng kế hoạch thanh tra bám sát với hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành và địa phương. Trong đó, Thanh tra tỉnh chủ trì điều phối kế hoạch thanh tra giữa các sở, ngành, địa phương; chủ động thực hiện rà soát và tham mưu với chủ tịch UBND tỉnh xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đảm bảo theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 21/6/2016 của chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Tổ chức thực hiện tốt các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chú trọng thanh tra về kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực mà dư luận quan tâm (lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai; việc thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao…), nhằm phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách, những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quản lý Nhà nước, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật.
Toàn ngành phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, đảm bảo kết luận, kiến nghị chính xác, khách quan và có tính khả thi nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra.
Thùy Linh