Kết luận điều tra bổ sung sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn

Thứ Tư, 02/06/2021, 14:26 [GMT+7]
    Ngày 31/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ban hành kết luận điều tra bổ sung, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 19 bị can liên quan sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH một thành viên (SAGRI). 
 
    Trước đó, ở bản kết luận điều tra cũ, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố 16 bị can gồm: Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc SAGRI và 15 bị can về các tội tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
 
    Sau đó, Viện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Tại bản kết luận điều tra bổ sung mới đây, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Che giấu tội phạm” xảy ra tại SAGRI; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú thêm ba bị can về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Che giấu tội phạm”.
 
    Theo kết luận điều tra bổ sung, từ năm 2016, bị can Lê Tấn Hùng đã lợi dụng chức vụ được giao, chỉ đạo cấp dưới bàn bạc, thống nhất với những người có liên quan lập 10 hồ sơ khống cho cán bộ, công nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở 16 nước (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức…) để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng, rồi sử dụng vào mục đích cá nhân 924 triệu đồng và vụ lợi cho nhóm của Lê Tấn Hùng tại SAGRI. 
 
    Đối với dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, bị can Lê Tấn Hùng và đồng phạm gây thiệt hại cho nhà nước 348 tỉ đồng tại thời điểm chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú và 672 tỉ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án xảy ra tại SAGRI.
 
    Theo kết luận điều tra bổ sung, bị can Hồ Văn Ngon với vai trò là thành viên Hội đồng thành viên SAGRI, biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 là chuyển nhượng vốn, tài sản nhà nước, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá... nhưng vẫn biểu quyết đồng ý tại các phiếu lấy biểu quyết về chủ trương và giá trị chuyển nhượng. 
 
    Việc biểu quyết đồng ý đã tạo điều kiện giúp ông Lê Tấn Hùng ký văn bản đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng, ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho Tổng công ty Phong Phú với tổng số tiền 168 tỷ đồng trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỷ đồng (tại thời điểm khởi tố vụ án).
                                                                                                         P.V
.