Nhìn lại nhiệm kỳ XII: Đột phá trong công tác cán bộ
Thứ Bảy, 23/01/2021, 05:55 [GMT+7]
Trong nhiệm kỳ XII của Đảng, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ ; đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua, cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ
Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018) và kết luận về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong nhiệm kỳ XII của Đảng, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ |
Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.”
Cùng với mục tiêu tổng quát, Nghị quyết 26-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó xác định đến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.
Nghị quyết xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong xây dựng đội ngũ cán bộ gồm nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ; một số nội dung cơ bản về công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, Trung ương đã xác định hai trọng tâm và năm đột phá. Hai trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Năm đột phá là đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện; cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020); Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành, Bộ Chính trị đã có Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 06/6/2018 để thực hiện Nghị quyết; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/02/2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền...
Ban Bí thư ban hành Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 về xác định tuổi của đảng viên; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15/8/2019 về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Trong quản lý có sự đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Trọng dụng người có đức, có tài
Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, trong nhiệm kỳ, đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn trong sử dụng cán bộ.
Tại Thông báo Kết luận về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng,” Bộ Chính trị nhấn mạnh đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Đổi mới cách tuyển chọn phải bảo đảm, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ; góp phần khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong từng khâu của công tác cán bộ nói chung, trong tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nói riêng.
Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” được tổ chức thực hiện nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác; đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý; hạn chế và loại trừ dần dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý tại các nộ, ban, ngành, địa phương.
Trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương về việc triển khai thực hiện Ðề án, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Đề án đối với các cơ quan Trung ương và địa phương về đối tượng; hồ sơ tổ chức thi tuyển lãnh đạo quản lý; nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục thi tuyển; xác định người trúng tuyển qua thi tuyển...
Bộ Nội vụ khuyến khích các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương không được chọn thực hiện thí điểm nhưng có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Những đơn vị nào có đủ điều kiện đều có thể tổ chức thi tuyển, không giới hạn.
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long cho biết, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Sau gần 3 năm thực hiện, 12/14 cơ quan Trung ương đã tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, 42 ứng viên đã trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 17/22 địa phương đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên).
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Đề án này không thay nhiệm vụ của công tác bổ nhiệm cán bộ, mà thay vì trước đây chọn, cử người, nay thi để tuyển người. Nhiều người có tiêu chuẩn điều kiện giống nhau, qua tổ chức kỳ thi để chọn được người tốt nhất; việc thi tuyển cũng không phải là thay cho quy trình cán bộ mà công tác cán bộ vẫn phải làm đúng quy trình của Đảng; đây chỉ là đổi mới phương thức tuyển chọn, là khâu đầu; làm được việc này thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ và chọn được đúng người.
Tạo “sân chơi bình đẳng”
Nhìn lại 3 năm thực hiện Đề án, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tập thể lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm thực hiện Đề án đã quan tâm, tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án đạt kết quả cao.
Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt như Ban Tổ chức Trung ương thi tuyển 6 vị trí, Bộ Nội vụ thi tuyển 6 vị trí, Bộ Giao thông Vận tải thi tuyển 10 vị trí, Quảng Ninh thi tuyển 129 vị trí, Ninh Bình thi tuyển 26 vị trí, Đà Nẵng, Bình Dương đều thi tuyển 22 vị trí.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá, qua việc thí điểm, những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài, làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị do người đó lãnh đạo, quản lý, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Đây là căn cứ thực tiễn rất quan trọng để khẳng định chủ trương này của Đảng là đúng đắn, cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Thực hiện tốt việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là môi trường và dịp tốt để rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy mới, năng lực tổ chức thực tiễn trong đổi mới phương thức công tác cán bộ nói chung và đổi mới phương thức lựa chọn cán bộ nói riêng của các cấp ủy, để công tác cán bộ có chất lượng, hiệu quả hơn, xứng đáng là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt - xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay; củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, trước hết đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, đổi mới cách thức lựa chọn lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển góp phần quan trọng vào việc tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, đổi mới công tác cán bộ, tạo “sân chơi bình đẳng,” môi trường thuận lợi để mọi cán bộ thể hiện đạo đức, tài năng và có điều kiện thuận lợi cống hiến trí tuệ, sức lực cho đất nước, dân tộc.
Đổi mới công tác tuyển chọn mới chỉ là bước đầu, vẫn còn một số điều cần rút ra bài học kinh nghiệm qua thí điểm và cần sự kiểm chứng bằng thực tế công việc sau bổ nhiệm của các ứng viên ở vị trí mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng và một số ứng viên tham dự thi tuyển, cách làm này tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, trao cơ hội phát triển như nhau cho những người đủ tiêu chuẩn; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, góp phần phát hiện kịp thời và chọn đúng người có đức, có tài, là bước đột phá quan trọng trong công tác cán bộ.
Thực hiện tốt công tác thi tuyển sẽ tạo phương thức, cách làm mới trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, bảo đảm khách quan, công tâm, minh bạch, thực chất, đấu tranh với tính hình thức hay tình trạng “quân xanh, quân đỏ,” loại bỏ nạn “chạy chức, chạy quyền,” tình trạng thao túng, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.
Từ việc tuyển chọn người có đức, có tài, tiến tới việc thực hiện tinh gọn bộ máy theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đất nước trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
Quỳnh Hoa
(TTXVN)