Nghệ An: Tăng trách nhiệm bí thư cấp ủy qua tiếp dân định kỳ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thông qua Kế hoạch thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh kiến nghị của dân (Quy định số 11).
Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy các cấp liên quan đến nội dung tiếp công dân; trong đó trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân định kỳ; kịp thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của dân theo thẩm quyền.
Một cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An |
Bí thư cấp ủy cũng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy cấp dưới, tổ chức, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành các quy định về những nhiệm vụ nêu trên.
Người đứng đầu cấp ủy cũng có trách nhiệm thông báo thời gian, địa điểm tiếp công dân trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và trụ sở làm việc hoặc địa điểm tiếp công dân để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết thực hiện.
Kế hoạch cũng yêu cầu tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện để đảm bảo quy định tiếp dân đi vào cuộc sống hiệu quả.
Theo đó, định kỳ theo quý, năm hoặc có thể đột xuất, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới trực tiếp và thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan về tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
Định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất, bí thư cấp ủy cấp huyện phải báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy tình hình, kết quả công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Bí thư cấp ủy cấp xã báo cáo với bí thư, văn phòng và ban dân vận cấp ủy cấp huyện về các nội dung trên.
Ở cấp tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy sẽ tiếp công dân định kỳ ít nhất 1 ngày trong tháng; quy định vào ngày mồng 5 hàng tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ thì bố trí ngày liền kề sau đó).
Trong trường hợp đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy không chủ trì phiên tiếp công dân định kỳ, thì ủy quyền một Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì phiên tiếp công dân.
Thành phần tham gia phiên tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy sẽ có trưởng các ban Đảng: Nội chính, Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo, Dân vận, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; trưởng phòng, cán bộ, công chức có liên quan thuộc Văn phòng Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, đại diện Công an tỉnh…
Trường hợp thành viên là cấp trưởng các cơ quan, đơn vị không thể tham gia vì có lý do đột xuất thì cử cấp phó đi thay nhưng phải báo cáo Bí thư Tỉnh ủy hoặc người được phân công chủ trì.
Theo Quy định số 11, người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng. Người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng.
Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột xuất khi có vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau hoặc việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ở cấp huyện (tương đương) và cấp cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định: Thời gian, địa điểm, thành phần tham gia tiếp công dân do bí thư cấp ủy quyết định trên cơ sở đảm bảo yêu cầu theo Quy định số 11-QĐi/TW và Luật tiếp công dân cũng như nội dung Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
P.V