Thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức

Thứ Ba, 19/02/2019, 14:17 [GMT+7]
    Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp thẩm định đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức (CBCC) và Luật viên chức. Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp. Các đại biểu đến từ các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ... tham dự cuộc họp.
 
    Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nội vụ trình bày Tờ trình dự án Luật, theo đó sau 08 năm thực hiện Luật CBCC và 06 năm thực hiện Luật viên chức, một số quy định trong hai luật này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần nghiên cứu, sửa đổi như: Bất cập trong đối tượng điều chỉnh của Luật cán bộ, công chức; chưa xác định rõ việc xây dựng vị trí việc làm là bắt buộc; cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức hiện nay vẫn chưa thực sự gắn với vị trí việc làm, chưa xây dựng được cơ chế để tuyển chọn người có tài; việc thi nâng ngạch công chức, đánh giá, phân loại công chức còn nhiều bất cập; quy định thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc... 
 
Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp
    Với mong muốn khắc phục những bất cập nêu trên, dự thảo Luật đã đưa ra một số chính sách mới bao gồm: Chủ trương "không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập"; xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với CBCC; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan quản lý, sử dụng lao động và quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm đồng bộ với kỷ luật đảng...
 
    Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đề nghị: Nghiên cứu, cân nhắc khi quy định chế độ liên thông CBCC cấp xã với cấp huyện. Chế độ thi nâng ngạch công chức cần mở rộng áp dụng phù hợp đối với những người có tài bên ngoài nhà nước. Quy định về chế tài kỷ luật đối với những người đã về hưu cần cân nhắc thêm về sự cần thiết, vì việc kỷ luật có thể không đảm bảo tính răn đe trên thực tế. Không nên bỏ chế tài xử lý kỷ luật "giáng chức" đối với CBCC trong dự thảo Luật.
 
    Góp ý vào dự thảo Luật, ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, đối với CBCC, ngoài áp dụng chế độ vị trí việc làm, cần kết hợp áp dụng với hệ thống chức nghiệp, ngạch bậc để đảm bảo tính phù hợp và liên thông trong quản lý đối với CBCC. Không nên quy định xử lý kỷ luật đối với những CBCC đã về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác.
 
    Ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, mục đích cao nhất của việc cải cách chế độ công chức, công vụ là tinh hóa đội ngũ cán bộ để phục vụ cho việc giảm biên chế; tuy nhiên, cần thực hiện có lộ trình phù hợp. Từng ngành một phải xác định được khung năng lực để làm cơ sở xác định vị trí việc làm và quan trọng nhất là tìm được người tài để phục vụ đất nước. Nên chấm dứt chế độ đào tạo đối với CBCC. Việc đánh giá, phân loại cán bộ cần được thực hiện trước tiên từ cán bộ mới đến công chức, trên cơ sở các tiêu chí đã được lượng hóa rõ ràng, cụ thể và theo yêu cầu từ khung năng lực của vị trí việc làm. Việc giao cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý cần được cân nhắc, có cơ chế phù hợp để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của thẩm phán. Không tán thành việc kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật đối với CBCC. Đối với những CBCC đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có thời gian vi phạm trong thời gian công tác thì chỉ kỷ luật để tước các danh hiệu mà họ đạt được trong thời gian công tác đó. Không nên quy định "Người đứng đầu cơ quan quản lý CBCC quy định cụ thể chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý" (Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật) vì dễ dẫn đến việc áp dụng mang tính tùy nghi, không thống nhất.
Nguyễn Phương Thảo
.