Công tác giám định tư pháp phục vụ cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ Năm, 21/02/2019, 16:28 [GMT+7]
Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giám định tư pháp năm 2012. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp.
Theo Báo cáo tại cuộc họp, việc thực hiện Luật giám định tư pháp đã đạt được một số kết quả quan trọng sau 5 năm triển khai, làm cho công tác giám định tư pháp ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực giúp cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc khách quan, chính xác. Tuy nhiên, qua thực tiễn theo dõi, quản lý nhà nước về giám định tư pháp cho thấy hoạt động giám định ở một số lĩnh vực chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu thì còn từ chối, né tránh, đùn đẩy việc làm giám định hoặc chậm trễ trong tổ chức thực hiện việc giám định.
Quang cảnh Hội nghị |
Cùng với đó, việc phối hợp cung cấp tài liệu cho cơ quan giám định có vụ việc còn chậm hoặc không đầy đủ. Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp còn chưa bảo đảm chặt chẽ, việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, nhất là trước yêu cầu giám định phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cùng các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh PCTN trong giai đoạn hiện nay; dự kiến sẽ bổ sung quy định về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; đồng thời, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh đó, sẽ bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và bộ, ngành chủ quản; bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu, cơ quan tiến hành tố tụng để khắc phục những tồn tại hiện nay về giám định tư pháp, nhất là tình trạng lạm dụng giám định tư pháp để gây khó cho công tác điều tra, truy tố và xét xử theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng… Cùng với một số sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật, đề xuất sẽ có quy định về chỉ định đơn vị đầu mối ở từng bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định tư pháp để tiếp nhận, phân công và giám sát hoạt động giám định…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo các nội dung sửa đổi cần phân thành 2 nhóm vấn đề bao gồm nhóm vấn đề chuyên môn (các quy định về thời hạn giám định, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy…) và nhóm vấn đề về năng lực tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cũng yêu cầu dẫn chứng một số vụ việc cụ thể chứng minh cho các đánh giá, lập luận, nếu có thì bổ sung số liệu công tác giám định tư pháp phục vụ cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp 2012.
Thu Hương
(Bộ Tư pháp)