Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2019

Thứ Sáu, 22/02/2019, 14:43 [GMT+7]
    Ngày 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2018, kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao ở nhiều nước trong khu vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, bao gồm: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới dự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, công tác cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường pháp lý, hành chính thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho các chủ thể của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển. Với sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 nội dung của Nghị quyết 30c của Chính phủ ban hành kèm theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, giai đoạn 2011-2020.
 
    Bên cạnh đó, các nội dung cải cách trọng tâm đã được các bộ, ngành, địa phương, thành viên triển khai quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết số 19 năm 2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến cải cách hành chính trong năm vừa qua.
 
    Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác cải cách hành chính đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua, Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ làm tốt vai trò cơ quan thường trực về cải cách hành chính, biểu dương Bộ Khoa học và Công nghệ về đổi mới sáng tạo, Bộ Y tế về giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính về cải cách thuế, hải quan, Văn phòng Chính phủ trong tham mưu, đề xuất cải cách thủ tục hành chính, phát huy tốt vai trò Tổ công tác của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng. Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Khánh Hòa… có chuyển biến trong nhận thức và hành động.
 
    Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, còn một số tồn tại, hạn chế cần nhìn nhận thẳng thắn để làm tốt hơn trong năm nay; không ít nội dung cải cách chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng “trục trặc”, trên bảo dưới không nghe.
 
    Thủ tướng cũng nhắc đến tình trạng có văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi. Có tình trạng văn bản được ban hành có dấu hiệu trái nội dung, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng.
 
    Một bộ phận cán bộ có thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với người dân, còn bất cập, chưa thuyết phục. Một số cơ quan thực hiện chế độ tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại, tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi cơ quan Nhà nước không trả lời, im lặng kéo dài vẫn còn. Tình trạng tham nhũng vặt, gây phiền hà cho người dân ở cơ quan hành chính và một số đơn vị công lập vẫn còn.
 
    Thủ tục hành chính một số lĩnh vực rườm rà, còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẻ giấy phép con”, thủ tục hành chính còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức... Đâu đó lợi ích cục bộ của ngành, địa phương còn thâm căn, chưa thể giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và doanh nghiệp.
 
    Định hướng giải pháp năm 2019, Thủ tướng nêu rõ, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật. 
 
    Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, một số Nghị định của Chính phủ, trong đó có Nghị định 59 về theo dõi thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành Bộ tiêu chí để theo dõi, đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật tại các bộ, ngành, các địa phương.
 
    Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tốt các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý và đặc biệt là chú trọng, nâng cao chất lượng một cửa, một cửa liên thông.
 
    Cần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị công lập theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế. Tập trung cải cách công vụ, công chức. Xây dựng khung khổ pháp luật về Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghiên cứu cách thức để tiến tới giao kết quả cải cách thủ tục hành chính như là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ hằng năm trong thi đua.
Lê Sơn
.