Tuyên án 4 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí - PVTEX
Thứ Ba, 04/09/2018, 14:19 [GMT+7]
Sau 4 ngày xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 4 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).
Tòa tuyên phạt bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (sinh năm 1963, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVTEX) 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp, buộc bị cáo Trần Trung Chí Hiếu phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 28 năm tù.
Bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (thứ 2, từ phải sang) và đồng phạm tại phiên tòa |
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC) bị xử phạt 13 năm tù; bị cáo Đào Ngọ Hoàng (sinh năm 1978, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX) bị phạt 9 năm tù và bị cáo Vũ Phương Nam (sinh năm 1979, nguyên Kế toán trưởng PVTEX) bị phạt 8 năm tù về cùng tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc bị cáo Đỗ Văn Hồng phải hoàn trả Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí 19,2 tỷ đồng, buộc bị cáo Trần Trung Chí Hiếu phải nộp 3 tỷ đồng để sung công quỹ Nhà nước. Tòa ghi nhận bị cáo Trần Trung Chí Hiếu đã nộp đủ 3 tỷ đồng.
Xét tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi; vai trò, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Trần Trung Chí Hiếu là người phải chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm chính về mọi hoạt động của PVTEX; trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo PVTEX thực hiện Dự án nhà ở, bị cáo đã có những vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng; quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án không đủ năng lực, kinh nghiệm; đồng ý thay đổi thiết kế đã được phê duyệt và để nhà thầu triển khai thi công khu nhà ở từ nhà chung cư thành nhà liền kề; đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về tạm ứng trong hợp đồng xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo cán bộ dưới quyền làm thủ tục tạm ứng 20 tỷ đồng không đúng; không tổ chức giám sát và quản lý việc sử dụng nguồn vốn tạm ứng.
Trần Trung Chí Hiếu còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sự ảnh hưởng và lệ thuộc, thông qua Vũ Đình Duy (nguyên Tổng Giám đốc PVTEX) gây ảnh hưởng để Đỗ Văn Hồng phải đưa hối lộ 3 tỷ đồng từ việc liên kết thành lập PVTEX-KB để hưởng lợi cá nhân. Hội đồng xét xử đánh giá, trong các hành vi phạm tội này, mặc dù Hiếu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị chịu trách nhiệm cao nhất nhưng chỉ đóng vai trò là người đồng phạm tích cực với Vũ Đình Duy. Vũ Đình Duy là người phải chịu trách nhiệm chính.
Đối với bị cáo Đỗ Văn Hồng, mặc dù Hồng biết rõ việc tạm ứng lần hai là không đúng quy định nhưng vẫn đề nghị tạm ứng; khi được tạm ứng 20 tỷ đồng thì đã sử dụng số tiền tạm ứng sai mục đích, không tiếp tục thực hiện hợp đồng dẫn đến dự án dở dang, xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước hơn 19,4 tỷ đồng nên bị cáo phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát này.
Hội đồng xét xử cho rằng, hai bị cáo Đào Ngọ Hoàng và Vũ Phương Nam là những người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất và quyết định những vấn đề chuyên môn theo phân công, phân nhiệm. Hoàng và Nam biết việc tạm ứng tiếp lần hai, số tiền 20 tỷ đồng cho PVC.KBC là trái quy định nhưng vẫn thực hiện gây ra hậu quả thiệt hại hơn 19,4 tỷ đồng. Trong đó, Hoàng là người soạn thảo công văn và phụ lục hợp đồng để đề xuất và hợp thức hóa việc tạm ứng, Nam là người ký các văn bản kế toán, xuất toán việc tạm ứng.
Bản án sơ thẩm nêu rõ: Các bị cáo đã nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật. Hành vi đó đã xâm phạm, phá vỡ các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, quản lý và sử dụng tài sản công, xâm hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân; gây bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân; xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn, đến uy tín của cơ quan nhà nước; gây thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân liên quan; hành vi đó còn làm ảnh hưởng đến chính sách đầu tư, phát triển kinh tế của Nhà nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nên việc khởi tố, truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo là cần thiết, nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo và đấu tranh chống, phòng ngừa tội phạm nói chung, nhất là tội phạm về tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Do vậy, việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc với mỗi tội, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của từng bị cáo là cần thiết, nhằm trừng trị, cải tạo, giáo dục và đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung...
Kim Anh
(TTXVN)