Ban Nội chính Trung ương: Hoàn thành chất lượng, hiệu quả nhiều mặt công tác trong 6 tháng đầu năm 2019

Thứ Bảy, 06/07/2019, 13:11 [GMT+7]

Sáng 5-7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và Lễ trao tặng huân chương, huy hiệu Đảng. Trang thông tin điện tử Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu bài phát biểu kết luận của đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại Hội nghị.

Thưa các đồng chí!

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi xin có một số ý kiến kết luận như sau:

I. Về đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2019:

Có thể khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng công việc của chúng ta rất lớn, nhiều đề án lớn, nội dung mới, nhận thức khác nhau. Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, ngành Trung ương, địa phương, chúng ta đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra; chất lượng, hiệu quả nhiều mặt công tác được nâng lên. Trong đó nổi bật là:

1. Chủ động, sâu sát, quyết liệt tham mưu Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2019, góp phần tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Vụ Theo dõi xử lý các vụ án, Ban Nội chính Trung ương (Vụ 1) - Ảnh: Đặng Phước
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Vụ Theo dõi xử lý các vụ án, Ban Nội chính Trung ương (Vụ 1) - Ảnh: Đặng Phước

- Tích cực chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ tốt Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo và Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo; khẩn trương ban hành Kết luận và chủ động hơn, tích cực hơn trong đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.

- Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện tốt 05 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; hoàn thành việc sơ kết 05 năm thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm.

- Về tham mưu chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ) và đạt nhiều kết quả tích cực:

+ Chủ trì, phối hợp tham mưu tổ chức 05 phiên họp Ban Chỉ đạo 110 và 06 cuộc họp liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương; ban hành 25 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo và một số vụ án, vụ việc khác theo kiến nghị của địa phương và cơ quan tố tụng Trung ương.

+ Tham mưu đề xuất Thường trực Ban Bí thư về đường lối xử lý một số vụ án về kinh tế, tham nhũng phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan.

Điểm mới trong 6 tháng đầu năm là tích cực, chủ động, phối hợp tốt hơn với các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương; tham mưu thực hiện tốt cơ chế giao ban hàng tuần 03 đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo; giao ban hàng tháng của Ban Chỉ đạo 110; hội ý đột xuất; tập trung tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá tài liệu, chứng cứ… để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

2. Làm tốt công tác nghiên cứu, đề xuất về công tác xây dựng pháp luật; chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, PCTN, cải cách tư pháp, tổ chức, hoạt động của Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.

- Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2018.

- Hoàn thành, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 03 đề án lớn: (1) Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí (Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27); (2) Đề án quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp dân (Bộ Chính trị ban hành Quy định 11); (3) Đề án về quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp (Ban Bí thư ban hành Quy định 194).

- Tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị một số vấn đề lớn trong các Đề án về an ninh, xây dựng Đảng, các dự án luật và tham gia biên tập, thẩm định các dự án luật trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, nhất là những vấn đề lớn, nhạy cảm còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan liên quan.

3. Chủ động nghiên cứu, theo dõi, nắm tình hình, tham mưu xử lý kịp thời một số vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự, công tác nội chính. Công tác hướng dẫn, tập huấn, đôn đốc công tác nội chính và PCTN ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có chuyển biến tốt hơn. Tổ chức tốt 05 Hội nghị giao ban công tác nội chính hàng tháng và 02 Hội nghị tập huấn toàn quốc công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, sửa đổi hướng dẫn chế độ báo cáo về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp (ban hành Hướng dẫn 12-HD/BNCTW); hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện Quy định 11 của Bộ Chính trị về người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, Quy định 194 về phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, Quy định 04 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy.

4. Chủ động tham mưu thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, nhất là chủ động tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2019 của Ban Chỉ đạo; tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ các phiên họp của Ban Chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp ở địa phương.

5. Hoạt động nghiên cứu khoa học, thông tin tuyên truyền, hợp tác quốc tế có nhiều cố gắng. Nghiên cứu, xây dựng 07 đề tài, đề án cấp ban Đảng Trung ương chủ trì; chủ trì, phối hợp thông tin kịp thời về kết quả Phiên họp, Cuộc họp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; triển khai tốt hoạt động đối ngoại theo Kế hoạch đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định.

6. Công tác tổ chức cán bộ và tham gia công tác cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đảm bảo chặt chẽ, công tâm, khách quan. Công tác thi đua khen thưởng  thiết thực và hiệu quả hơn. Hoạt động của Văn phòng có nhiều cố gắng, phục vụ tốt hoạt động của Ban.

7. Công tác xây dựng đảng có chuyển biến tích cực, nền nếp và đạt nhiều kết quả. Việc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương và Đảng ủy khối được thực hiện nghiêm túc; công tác chính trị, tư tưởng được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện bài bản, đúng quy định; duy trì thường xuyên, nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng; phối hợp tốt với lãnh đạo Ban trong công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tham gia góp ý, kiểm điểm lãnh đạo Ban cuối năm.

8. Hoạt động công đoàn, đoàn thanh niên có nhiều cố gắng; quy chế dân chủ ở cơ quan thực hiện tốt; nội bộ đoàn kết; quan tâm hơn đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên và chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi biểu dương các vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2019.

Thưa các đồng chí!

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là:

- Phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong một số công việc vẫn còn vướng mắc, chậm được khắc phục, nhất là trong phối hợp xử lý đơn thư, phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án ở địa phương.

- Công tác quy hoạch, kiện toàn cấp ủy còn chậm; vai trò của một số cấp ủy chi bộ trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị có lúc, có nơi chưa rõ nét; hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên chưa thật sự sôi nổi, vai trò giám sát của công đoàn còn hạn chế.

II. Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019:

Báo cáo do đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực trình bày đã xác định cụ thể những nhiệm vụ, công việc 6 tháng cuối năm. Tôi nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

1. Khẩn trương chuẩn bị nội dung về PCTN, cải cách tư pháp để tham gia vào văn kiện Đại hội XIII. Phục vụ tốt Phiên họp 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (dự kiến vào cuối tháng 7) và các Phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trong năm 2019.

2. Tập trung tiếp thu, hoàn thành 03 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tháng 8 và tháng 9 năm 2019. (Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 159; Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định 163 trình Bộ Chính trị trong tháng 8; Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 33 về luật sư trình Ban Bí thư trong tháng 9).

Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng 06 Đề án còn lại trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quý III, IV-2019. Trong đó trọng tâm là 3 đề án: Đề án về kiểm soát quyền lực để PCTN; Đề án về tổng kết Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp; Đề án quy định tiêu chuẩn chức danh của cán bộ ngành Nội chính và Tư pháp…

3. Khẩn trương tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN năm 2019; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của Ban Chỉ đạo.

4. Bám vụ án, vụ việc, đôn đốc, tham mưu kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc để kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 07 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 37 vụ việc trong năm 2019 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

5. Nâng cao hơn nữa chất lượng và tầm của công tác nghiên cứu, thẩm định, tham gia ý kiến đối với các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và PCTN do các cơ quan chức năng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 02 Ban Chỉ đạo.

6. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và PCTN ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương. Nhất là: (1) Đổi mới, nâng cao hiệu quả giao ban nội chính hàng tháng. (2) Khẩn trương hoàn thiện, ban hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính, PCTN, cải cách tư pháp. (3) Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi địa bàn; kịp thời nắm bắt các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, các vụ việc nghiêm trọng phức tạp về tham nhũng, kinh tế mà báo chí, dư luận xã hội quan tâm để tham mưu lãnh đạo Ban xử lý.

7. Tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh: (1) Hoàn thành xây dựng các quy chế, quy định nội bộ phù hợp với các quy định mới của Đảng, Nhà nước. (2) Khẩn trương tham mưu điều chỉnh phân công nhiệm vụ lãnh đạo Ban. (3) Kiện toàn cấp ủy, lãnh đạo Vụ, đơn vị, triển khai thực hiện tốt kế hoạch tuyển dụng đã ban hành. (4) Tổ chức tốt Đại hội Công đoàn cơ quan nhiệm kỳ 2019-2024. (5) Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các đơn vị và từng cán bộ, công chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các vụ, nhất là Vụ trưởng trong việc chủ động triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Thưa các đồng chí!

Nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2019 là rất lớn, rất mong cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên Ban Nội chính Trung ương nêu cao trách nhiệm, nỗ lực cố gắng cao hơn, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

.