Hội nghị giao ban các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy 6 tháng đầu năm 2018
Ngày 18-7-2018, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy 6 tháng đầu năm 2018 bằng hình thức trực tuyến. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy (gọi tắt là ban nội chính tỉnh ủy) tại 63 điểm cầu trên toàn quốc và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Đặng Phước) |
Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2018, các ban nội chính tỉnh ủy đã triển khai, thực hiện hiệu quả, đồng bộ 05 nhóm nhiệm vụ theo Quy định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư và các nhiệm vụ khác do ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy giao, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, nhiều mặt hoạt động nghiệp vụ hoàn thành ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Công tác nghiên cứu, đề xuất đã thể hiện chiều sâu trong tham mưu toàn diện cho cấp ủy trên mọi lĩnh vực. Đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nghiên cứu, lựa chọn các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm; các vụ án có đơn, thư phản ánh oan, sai; các vụ án còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để tham mưu đưa 408 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Tính đến thời điểm báo cáo, các ban nội chính tỉnh ủy đã tham mưu giúp cấp ủy địa phương chỉ đạo, xử lý xong 108/408 vụ việc, vụ án. Tham mưu giúp tỉnh ủy, thành ủy tổ chức 355 cuộc họp giao ban, chuyên đề để chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, hiệu quả. Đã chủ trì, phối hợp thực hiện 271 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 516 cấp ủy, tổ chức đảng (trong đó kiểm tra, giám sát đối với 149 cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan nội chính, chiếm tỷ lệ 29%). Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, Chỉ thị 33-CT/TW, Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị… và một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như hoạt động tín dụng, ngân hàng; quản lý đất đai; mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng các quỹ phát triển, bảo vệ rừng, môi trường… Đã ban hành 1.329 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị, thành ủy, đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đơn vị về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Công tác thẩm định đề án, tham gia ý kiến văn bản được nâng cao trách nhiệm, chất lượng. Các ban nội chính tỉnh ủy đã thẩm định và tham gia ý kiến đối với các đề án và 335 văn bản trình ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2017). Tham gia ý kiến vào nhiều báo cáo của cơ quan, tổ chức, đơn vị trình ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Đặng Phước) |
Tham gia ý kiến đối với 1.564 trường hợp cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, trong đó có 167 trường hợp bổ nhiệm chức danh tư pháp. Giúp cấp ủy cho ý kiến về việc xây dựng Đề án cơ cấu vị trí việc làm đối với cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trên địa bàn; tham gia ý kiến về quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ năm 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh và quy hoạch cán bộ của các cơ quan khối nội chính và các chức danh tư pháp.
Thực hiện nghiêm quy định về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các trường hợp, đơn thư được Thường trực Tỉnh ủy giao. Tham gia với Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại, tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; đã tiếp 1.245 buổi/cuộc với 4.834 lượt, nhận tổng số 6.335 đơn các loại. Trong đó, ban nội chính xác minh, tham mưu xử lý 1.032 đơn, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 1.823 đơn, phát hành 551 phiếu hướng dẫn; qua xử lý đơn đã phát hiện 18 vụ việc vi phạm, chuyển cơ quan chức năng xử lý (05 vụ có dấu hiệu tham nhũng).
Đến nay, đã có 60/63 các ban nội chính tỉnh ủy được giao là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ở địa phương. Với vai trò là cơ quan Thường trực, các ban nội chính tỉnh ủy đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, thành lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.
Một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy còn được cấp ủy giao là thành viên, cơ quan thường trực một số Ban Chỉ đạo của tỉnh ủy thuộc lĩnh vực nội chính, hoạt động rất hiệu quả, được tỉnh ủy đánh giá cao trong việc tham mưu giúp tỉnh ủy chỉ đạo các vấn đề, vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp tại địa phương
Nhiều ban nội chính tỉnh ủy đã tiếp tục xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ký hoặc trực tiếp ký ban hành quy chế phối hợp công tác với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, sở, ban, ngành, cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy. Trong kỳ, có thêm 30 quy chế đã được ký, ban hành, đưa tổng số quy chế ký, ban hành lên 510 quy chế; đã tổ chức 54 hội nghị sơ kết 246 quy chế phối hợp.
Tổ chức bộ máy của các ban nội chính tỉnh ủy tiếp tục được củng cố, kiện toàn, trang thiết bị và điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện. Có 54 trưởng ban là ủy viên ban thường vụ, 04 trưởng ban là tỉnh ủy viên, 12 Phó trưởng ban là tỉnh ủy viên.
Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị (Ảnh: Đặng Phước) |
Về công tác thi đua chuyên đề“Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính, tham nhũng”, ngay từ đầu năm, các ban nội chính tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, phát động thi đua và triển khai tích cực. Trên cơ sở nội dung đăng ký thi đua, các ban nội chính tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả 319 vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (trong đó có 129 vụ việc, vụ án tham nhũng), đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại Hội nghị, đại diện ban nội chính tỉnh ủy tại các điểm cầu đã phát biểu, trao đổi những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong công tác tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tham nhũng vặt; tham mưu cho Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm; tham mưu trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên - khoáng sản; tham mưu, triển khai nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là kiểm tra, giám sát các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; chấn chỉnh hoạt động quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và giải pháp phòng, chống tham nhũng vặt; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, đặc biệt là giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đông người... Đồng thời, nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức, bộ máy ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những thành tích, kết quả công tác của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, nhân viên các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đề nghị các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm đã nêu trong báo cáo tại Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau: (1) Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh biển, đảo, an ninh tôn giáo, an ninh tại các khu công nghiệp, hoạt động của các tổ chức phản động, các loại tội phạm nguy hiểm; giải quyết rốt ráo các vấn đề bức xúc, các vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... (2) Quan tâm phối hợp, tham mưu thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, nhất là những vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến an ninh quốc gia và lợi ích của các tầng lớp nhân dân... (3) Chủ trì, tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quán triệt, triển khai có hiệu quả kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, nhất là tham nhũng vặt. Mỗi ban nội chính phải tham mưu thường trực cấp ủy chỉ đạo xử lý nghiêm, công khai 1-2 vụ việc về tham nhũng vặt để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa “căn bệnh“ này. Tham mưu thường trực tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận phản ánh về tiêu cực, tham nhũng, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Tập trung tham mưu chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý và các vụ án, vụ việc do các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo kiến nghị. Tiếp tục thực hiện và tổng kết thi đua chuyên đề về phát hiện, tham mưu xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng theo Kế hoạch số 118-KH/BNCTW ngày 7-6-2018 của Ban Nội chính Trung ương. (4) Tham mưu tổng kết 05 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế theo Kế hoạch số 165-KH/BCĐ ngày 11-6-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Phối hợp tham mưu, phục vụ tốt các Đoàn kiểm tra, giám sát năm 2018 của Ban Chỉ đạo (nếu có). (5) Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, nhất là khi có tình hình, vụ việc đột xuất nghiêm trọng, phức tạp về an ninh, trật tự thì phải chủ động báo cáo đầy đủ, kịp thời cho thường trực cấp ủy và Ban Nội chính Trung ương, khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua. (6) Tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ ban nội chính sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy (thay Quy định 219 và Quy định 183). Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, các vấn đề mới trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, quy định mới thay thế Chỉ thị 15 cho cán bộ, công chức...
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Đặng Phước) |
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng trực tiếp giải đáp một số thắc mắc, kiến nghị, đề xuất, đồng thời giao Vụ địa phương thuộc Ban Nội chính Trung ương tổng hợp tất cả kiến nghị, đề xuất của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền của Ban và kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương.
Thu Thắm