Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 20/05/2021, 06:04 [GMT+7]
    Tại Hội nghị báo cáo viên trực tuyến toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vừa qua, các đại biểu được nghe Giáo sư Hoàng Chí Bảo thông tin chuyên đề: Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những kết quả nổi bật sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Sau đây là lược trích một số nội dung quan trọng tại cuộc nói chuyện của GS.
 
    Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, sau 50 năm, thời gian càng lùi xa, những tư tưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc càng trở nên sáng rõ không chỉ đối với đồng bào trong nước mà cả trong lòng bạn bè quốc tế. Di chúc của Người là Quốc bảo, đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
 
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị
    Năm 1965, Bác bắt đầu viết Di chúc, văn bản mà Bác gọi là “bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí”, “mấy lời dặn lại trước lúc đi xa”. Việc Bác viết Di chúc trong dịp sinh nhật thể hiện bản lĩnh văn hóa của Người. Viết Di chúc dịp sinh nhật, chọn thời điểm 9-10 giờ sáng để viết và sửa Di chúc, nói lên chiều sâu trong thế giới nội tâm của Bác, bản lĩnh văn hóa, lấy sự sống vượt lên cái chết của Người. 
 
    Toàn bộ Di chúc là niềm tin, sự lạc quan mãnh liệt vào cách mạng, giải phóng miền Nam và sau khi chiến tranh kết thúc, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Những ngày viết Di chúc, Bác nghiền ngẫm rất sâu sắc xung quanh những lời căn dặn về Đảng. Bác sửa đi sửa lại đoạn về đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bác nói: “Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh và tăng cường sức chiến đấu của Đảng”. Bác còn lấy bút đỏ ghi thêm: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. 
 
    Trong Di chúc, Bác đặc biệt căn dặn chúng ta một điều hết sức quan trọng về 4 chữ “thật” trong nội dung về Đảng cầm quyền, đó là: “Đảng là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bốn chữ “thật” ấy là nền tảng vững chắc để xây dựng Đảng cầm quyền trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có cả tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, về Đảng cầm quyền, về thực hành dân chủ, về quản lý xã hội và lấy an sinh của dân làm gốc,... Bản Di chúc cũng đề cập đến những vấn đề lớn của hiện tại, dự báo tương lai; thể hiện niềm tin về thắng lợi của cách mạng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, hai miền Nam - Bắc được thống nhất,...
 
    Suốt 50 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng ta đã làm hết sức mình để xứng đáng với Bác. Chúng ta nhận thấy rằng, bắt đầu từ Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đến Cương lĩnh năm 2011 thể hiện đúng tâm nguyện của Bác trong Di chúc khi nói về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến Đại hội XII của Đảng, bổ sung thêm vào lý luận xây dựng Đảng một điều rất căn bản, không chỉ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn phải xây dựng Đảng về đạo đức, đưa văn hóa vào trong chính trị, kinh tế, vào trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị.
 
    Đặc biệt cũng từ Đại hội XII trở đi, nhất là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng ta có một nhận thức rất mới và quan trọng về Bác. 10 năm trước, Đảng lấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, từ Đại hội XII đến nay cũng như mãi mãi sau này, Đảng xác định rõ học tập, làm theo Bác cả về tư tưởng, đạo đức và phong cách, nhất là trong tình hình hiện nay, việc học tập và làm theo này phải được gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bản Di chúc chứa đựng và kết tinh tất cả những giá trị cao quý về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Căn cứ vào thực tiễn của đất nước, chúng ta soi rọi lại thành tựu qua hơn 30 năm đổi mới, đường lối đổi mới của Đảng cũng được dẫn dắt từ ánh sáng của Di chúc. Để từ đó, chúng ta làm tốt hơn những gì đã làm được, khắc phục những tồn tại, hạn chế. 
 
    50 năm qua, việc thực hiện Di chúc của Bác trở thành một việc làm thiêng liêng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. 5 lời thề trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 09/9/1969 mãi như một lời nhắc nhở, lời hứa của Đảng ta đối với những tâm nguyện của Người trước lúc đi xa.
 
    Thực hiện Di chúc của Bác, 50 năm qua, chúng ta đã thực hiện nghiêm 5 lời thề: Nén đau thương biến thành sức mạnh, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa Nam - Bắc sum họp một nhà; Kiên trì lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; Giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; Làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân; Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện học tập, làm theo đạo đức trong sáng mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4 chữ “cần - kiệm - liêm - chính”.
                                                                                            Vân Anh
                                                                                   (Ban Tuyên giáo TW)
.