Nhớ về anh Hai Nghĩa

Thứ Ba, 18/05/2021, 10:19 [GMT+7]

    Với tôi, Anh là người thủ trưởng, người đồng chí, người anh nhân ái. Những năm tháng được làm việc và sống bên Anh đã để lại trong tôi biết bao dấu ấn sâu sắc cùng những kỷ niệm tốt đẹp không bao giờ phai mờ. Thời gian vùn vụt thoi đưa, bỏ lại tất cả phía sau rồi trở thành dĩ vãng, cuộc sống hối hả của thời đại mới 4.0 với bao sự kiện vật đổi sao dời, biến đổi từng ngày, từng giờ. Nhiều thứ có thể bị lãng quên nhưng những cống hiến, những nghĩa cử tình cảm tốt đẹp của Anh sẽ trường tồn theo thời gian. Trân trọng công lao cống hiến của các thế hệ đi trước, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ngành Nội chính Đảng (05/01/1966 - 05/01/2021), được sự chỉ đạo của đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Võ văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã xuất bản cuốn sách ảnh “Ban Nội chính Trung ương - Những chặng đường phát triển” và bộ phim tư liệu “55 năm vẻ vang ngành Nội chính Đảng”. Sự cống hiến cùng hình ảnh và lời nói của Anh thể hiện rất ấn tượng, sống động, rõ nét trong cuốn sách và Phim tư liệu. Có nhiều điều muốn nói, muốn viết, nhưng nhớ lời Anh thường căn dặn “Nỗi buồn thì vứt xuống sông, niềm vui giữ lại trong lòng dài lâu”, tôi xin viết đôi dòng tưởng nhớ về Anh.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương (tháng 6/2020)
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương (tháng 6/2020)

    Nhớ lại thời kỳ tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái (2001-2004), Anh Hai Nghĩa là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Tỉnh Yên Bái khi ấy xảy ra một vụ án nghiêm trọng ở Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh, tính chất vô cùng phức tạp, có tính nhạy cảm, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc dư luận xã hội. Tôi cùng đoàn cán bộ của tỉnh về báo cáo với Ban Nội chính Trung ương. Sau khi nghe tỉnh báo cáo và nghiên cứu tài liệu, kết thúc buổi làm việc, Anh bình thản nói: Các em về tiếp tục thực hiện như kế hoạch đã đề ra. Đoàn anh em chúng tôi ra về với nhiều nỗi băn khoăn, trăn trở. Thật bất ngờ, hai ngày sau, Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương lên khảo sát tình hình, xem xét vụ việc; ít ngày sau, trong cuộc họp tại Ban Nội chính Trung ương, Anh triệu tập và chủ trì. Do tính chất phức tạp và nhạy cảm của vụ án, nhiều ý kiến khác nhau được đề cập, một số ý kiến đề xuất nên chuyển về Trung ương xử lý. Anh chăm chú lắng nghe và kết luận: Sự việc xảy ra ở tỉnh, nên để tỉnh chủ động xử lý. Cơ quan Trung ương tư vấn giúp khi tỉnh yêu cầu, hỗ trợ ngăn chặn các tác động tiêu cực từ bên ngoài vào vụ án. Tỉnh cần họp báo công khai để tạo sự đồng tình của dư luận trước khi xét xử; có giải pháp bảo vệ những người trực tiếp phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án. Anh cũng nói rõ thêm lý do vì sao để tỉnh trực tiếp thụ lý vụ án, vì: Vụ việc xảy ra thời gian dài nên Yên Bái có điều kiện nắm được tường tận diễn biến vụ việc. Thực tế cho thấy, mỗi vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp xử lý thành công để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý giá, cùng với sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ được rèn luyện qua môi trường thực tế. Với sự chỉ đạo sáng suốt, đầy bản lĩnh và kinh nghiệm của Anh, vụ án đã kết thúc nhanh gọn, xử lý đúng người, đúng tội, nhanh chóng khắc phục hậu quả về kinh tế, có tác dụng tích cực, tạo niềm tin của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.

    Đúng như dự báo trong chỉ  đạo, sau khi vụ án kết thúc một thời gian ngắn, phát sinh một vụ việc phức tạp liên quan tới một số cán bộ trực tiếp xử lý vụ việc, vụ án. Với cương vị và sự kiên định bảo vệ công lý, lẽ phải, công tâm khách quan. Anh đã chỉ đạo phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và địa phương giải quyết thấu lý đạt tình, nhờ vậy, tất cả những anh em đó tiếp tục có bước phát triển trưởng thành trong công tác, có cuộc sống bình yên, hạnh phúc hôm nay. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Cuối năm 2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 37-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc để triển khai thực hiện Nghị quyết. Tôi được điều động về giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Đầu năm 2006, Anh cũng được phân công kiêm nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Theo Chương trình công tác, buổi sáng tổ chức lễ bàn giao, buổi chiều họp toàn Ban để Anh gặp mặt anh em trong cơ quan và nghe báo cáo tình hình. Nhưng sau lễ bàn giao, Anh thay đổi lịch trình yêu cầu đi thăm địa phương cơ sở, trong đó có một xã vùng cao khó khăn, vừa đi hiện trường vừa báo cáo, Anh nói phải tiết kiệm thời gian “vừa chạy vừa xếp hàng”. Hôm đó, đưa Anh tới xã Khai Trung - xã vùng cao của huyện Lục Yên, nơi chủ yếu đồng bào dân tộc Dao sinh sống, đường xá đi lại khó khăn. Anh động viên chúng tôi, các em đi được thì Anh cũng đi được, đừng lo. Anh là người có chức vụ cao của Đảng và Nhà nước đầu tiên tới thăm xã vùng cao này, nhân dân phấn khởi tặng Anh những bó hoa rừng với tình cảm chân thành. Anh thăm nương rẫy, thăm nơi sinh sống của bà con trong bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng cao. Anh rất vui khi nghe nói ở đây không có từ “khóa cửa” mà chỉ có từ “khép cửa”, an ninh rất tốt. Cảm động hơn, người dân được biết Anh là người con của quê hương “Đồng khởi Bến Tre”, đã nhiều năm lăn lộn sống, chiến đấu dưới bom, đạn ác liệt của kẻ thù, tác phong bình dị gần gũi thân mật. Từ cơ sở trở về Anh nói: Trường học vĩ đại nhất là trường học nhân dân, từ trường học này biết bao lớp cán bộ của cách mạng đã trưởng thành, vì vậy, mọi giải pháp phải từ thực tiễn cơ sở, ý nguyện của người dân. Trăn trở trong Anh với các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, một vùng quê hương cách mạng phên dậu của Tổ quốc, nhiều tiềm năng nhưng còn rất nhiều khó khăn đã thôi thúc Anh ngày đêm trăn trở đề xuất các quyết sách lớn, tạo sự chuyển biến đột phá cho vùng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, đưa các hoạt động tôn giáo vào nề nếp, xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào theo mục tiêu ổn định và phát triển toàn diện… Mọi nẻo đường vùng Tây Bắc(1) đều mang đậm dấu chân Anh.

    Cuối năm 2006, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, Anh được phân công làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Thời điểm điều động cán bộ về lĩnh nhạy cảm này có nhiều khó khăn. Một buổi chiều tháng 11/2006, Anh điện tôi về Hà Nội trao đổi, dự kiến điều tôi về làm Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo, giúp việc cho Anh. Sau ít ngày suy nghĩ, mặc dù có nhiều suy tư trăn trở, nhưng với sự tin yêu của Anh, tôi đâu dám từ chối. Anh đã nói việc này công khai tại diễn đàn Quốc hội khóa XII, phiên thảo luận tại hội trường có truyền hình trực tiếp. Những ngày công tác bên Anh và qua xem xét tìm hiểu về công tác PCTN, được biết suốt thời gian dài là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, với trọng trách được Bộ Chính trị giao, Anh đã dành cả tâm trí của mình với quyết tâm chống “giặc nội xâm” không khoan nhượng. Khi tình hình tham nhũng bùng phát, Đảng ta nhận định “… là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Với bầu nhiệt huyết cùng trái tim nóng bỏng, nhưng hết sức trầm tĩnh, thận trọng, Anh tập trung đội ngũ của Ban Nội chính Trung ương, các chuyên gia của các ngành trong khối Nội chính tập trung, khẩn trương xây dựng Nghị quyết Trung ương 3 khóa X. Khi thảo luận về mục tiêu, có ý kiến phải khẩn trương chặn đứng và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Trước nhiều ý kiến khác nhau, Anh đã lý giải rõ ràng, khúc triết từng vấn đề, nêu rõ tính chất, đặc thù, khó khăn của công tác PCTN, lãng phí, cùng thực trạng tình hình tham nhũng, mục tiêu đề ra: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí là phù hợp. Những quan điểm, tư tưởng đúng đắn đó đã thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X. Sau khi Nghị quyết được ban hành, với trọng trách được giao, Anh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, chỉ đạo ban hành các văn bản quy định về PCTN; thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương và ở cấp tỉnh, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ; tổ chức hội nghị tuyên dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong PCTN ở ba khu vực Bắc, Trung, Nam; thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, xác định các vụ việc, vụ án nghiêm trọng để tập trung chỉ đạo. Từ kinh nghiệm chỉ đạo các vụ trọng án trước đây, nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp kéo dài được Anh chỉ đạo xử lý dứt điểm, tư tưởng chỉ đạo của Anh với ngôn từ bình dị nhưng rõ ràng dứt khoát: “Phải làm đâu được đó chứ không được làm đâu bỏ đấy”. Đánh giá về kết quả công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2006-2011 tuy còn có những hạn chế nhất định do các yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng đã có sự chuyển biến tích cực bước đầu “Trên một số lĩnh vực, lãng phí, tham nhũng từng bước được kiềm chế”(2). Quan trọng hơn, qua thực tế một nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho giai đoạn tiếp theo trong chỉ đạo điều hành để công tác PCTN, lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả rõ nét: “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”(3). Trong thành quả chung đó có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả và công sức của Anh. 

    Kết thúc nhiệm kỳ Trung ương khóa X, Quốc hội khóa XII (2011), Anh bước sang tuổi 70, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ. Với thực trạng tình hình đất nước, bên cạnh những niềm vui, Anh cũng còn nhiều trăn trở. Nhiều người hết sức cảm xúc và trân trọng bài phát biểu của Anh trong buổi chia tay; trong lúc công tác cũng như khi về nghỉ, tình cảm của Anh với những anh em đã cùng công tác vẫn giữ mối quan hệ chân tình, thắm thiết. Hôm Anh mất, tôi không vào được vì được cử làm Trưởng đoàn cựu cán bộ công chức Ban Chỉ đạo Tây Bắc dự lễ viếng Anh tại Hà Nội. Hôm đó, nhiều phóng viên xin phỏng vấn về Anh. Đây là vấn đề lớn, tôi chỉ dám nói đôi điều về cảm nhận về Anh, một người lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, một con người trung kiên, sáng suốt, tận tụy với công việc, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, bình dị và giàu lòng nhân ái. Anh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chúng ta luôn tự hào: Người cách mạng là người giàu tình cảm nhất, Anh chính là mẫu hình của hình tượng đó. Nói đến Anh Hai mà không nhắc tới Chị Hai là một thiếu sót lớn, Chị Hai là người tạo nên hậu phương vững chắc, làm điểm tựa cho Anh Hai thành công trên suốt chặng đường công tác, là người tận tụy, hết lòng yêu thương, chăm sóc, động viên Anh những năm tháng cuối cuộc đời. Cùng với Anh Hai, Chị Hai đã dành cho chúng tôi những tình cảm thân ái như người chị trong gia đình. Nhớ những ngày Chị từ Bến Tre lên Ban Chỉ đạo Tây Bắc mang bột gạo làm bánh cho anh em trong cơ quan; nhớ những ngày ở Hà Nội, Chị làm bánh trái nhưng không quên làm những trái bánh kiêng đường cho mấy em. Xin được gửi tới Chị lời kính chúc sức khỏe, chúc các cháu chăm ngoan, học giỏi, thành đạt, gia đình hạnh phúc như tâm nguyện của Anh: “Ta trồng cây đức để đời cho con”. Kỷ niệm chuyến đi cùng buổi chia tay lưu luyến: 6 giờ sáng ngày 09/6/2020, Anh điện cho biết Anh ra dự Đại hội Đảng với Ban Nội chính Trung ương, nói tôi sắp xếp để hôm sau đi thăm Yên Bái cùng Anh, Chị. Theo chương trình, Anh đi về trong ngày, thăm lãnh đạo tỉnh, thăm một số công trình tỉnh mới xây dựng, thăm mô hình nuôi cá hồ Thác Bà; 8 giờ tối trước khi về, gặp cán bộ cựu công chức Ban Chỉ đạo Tây Bắc khu vực Yên Bái tại trụ sở cũ của Ban, Anh ân cần như gặp lại những người em, người con trong gia đình; nguyện vọng của anh chị em là được đón Anh tại cuộc gặp mặt cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, Anh vui vẻ nhận lời. Trong suốt chuyến đi, tôi đi cùng xe với Anh, khi về tới Nhà khách 37 Hùng Vương - Hà Nội, tôi mang những bó hoa các ban, ngành của tỉnh tặng lên phòng, chào Anh, Chị ra về. Anh ôm tôi vỗ nhẹ vào vai gửi lời chúc sức khỏe gia đình, nhắc nhở giữ gìn sức khỏe, hẹn ngày gặp lại. Không ngờ ngày đó không còn nữa, buổi chia tay ấy cũng là buổi tiễn biệt Anh mãi đi xa.

     (1) Vùng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chỉ đạo gồm 14 tỉnh (12 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và vùng Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa)
    (2) Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng
    (3) Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Vũ Tiến Chiến
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IX, X), Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Nguyên Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN)   

.