Thành công vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 90 năm qua
Thứ Ba, 04/02/2020, 16:34 [GMT+7]
Đối với dân tộc Việt Nam, thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 90 năm qua là thành công quyết định cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Tôi đưa ra ý kiến này dựa trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất là trong thời điểm phát triển của Việt Nam, thời điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối thành lập và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Đó có thể nói là bước đi, một tiền đề quyết định cho tương lai của dân tộc Việt Nam, cho sự phát triển của Việt Nam cho đến nay. Xét trong bối cảnh thế giới thời điểm đó, có rất nhiều Đảng Cộng sản (ĐCS) ra đời, cũng phát triển nhưng có phát triển ngày càng mạnh mẽ như ĐCS Việt Nam hay không thì chúng ta đều biết. Vẫn còn đó bài học lịch sử rất đắt giá ở Liên Xô vì ĐCS Liên Xô do Lê-nin thành lập từ năm 1912, rồi bị giải tán năm 1991. Đó là một sự thất bại của một đảng có bề dầy lịch sử như vậy với số lượng 20 triệu đảng viên vào lúc giải tán. Đó là thất bại vô cùng lớn của ĐCS Liên Xô và rất nhiều nước khác chịu ảnh hưởng từ sự kiện này.
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII |
Bài học từ sự thất bại của ĐCS Liên Xô là bài học quý giá cho sự phát triển của ĐCS Việt Nam. Bài học quan trọng nhất cho ĐCS Việt Nam trong suốt 90 năm qua là luôn luôn đóng vai trò tiên phong, là đưa ra tiêu chí, mục tiêu dẫn dắt dân tộc, đi đúng đường, kiên quyết và kiên định với mục tiêu phát triển của mình. Mục tiêu của Đảng trong từng thời điểm rất uyển chuyển để phù hợp với thời đại, đồng thời vẫn duy trì mục tiêu của mình không thay đổi. Đó là đưa dân tộc Việt Nam đi đến sự phồn thịnh, trường tồn. ĐCS Việt Nam đã làm được những việc vô cùng to lớn, vượt qua thù trong giặc ngoài. Dù có ai nói gì đi nữa thì vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam không thể phủ nhận.
Những thành tích mà ĐCS Việt Nam đạt được cho đến thời điểm này làm cho rất nhiều người không thể không công nhận vai trò tiên phong của Đảng. Dù có cùng quan điểm hay không, dù ở phía bên này hay bên kia, điều mà ai cũng phải công nhận, đó là sự ổn định, phát triển của quốc gia.
ĐCS Việt Nam đã có những bước đi vô cùng quan trọng, quyết liệt và có tính chất quyết định như chống tham nhũng kiên quyết trong thời gian vừa qua. Đảng đã thấy rõ rằng tham nhũng là mối nguy cho đất nước, và đó cũng chính là câu chuyện đã từng xảy ra với ĐCS Liên Xô. Khi đã xác định được những mục tiêu như vậy, đồng thời xây dựng được vai trò của các đảng viên là kiên định với Đảng, với mục tiêu chính trị của Đảng, và phải tuân theo những tiêu chí, tiêu chuẩn của Đảng đề ra thì mới có một đảng mạnh được. Khi có đảng mạnh, tập hợp được ý chí của toàn dân, toàn dân tộc, khơi dậy sức mạnh của toàn dân, toàn dân tộc thì vai trò tiên phong của ĐCS Việt Nam mới đạt được ý nghĩa, tức là người lãnh đạo dân tộc. Nếu tiếp tục con đường này, ĐCS Việt Nam sẽ tiếp tục thành công và phát triển.
Điểm lại 90 năm hình thành và phát triển của một ĐCS thì không phải là trẻ, không phải là già, gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc không dễ dàng chút nào. Chúng ta có thể thấy rằng, rất nhiều người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới luôn yêu nước, ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua để giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Để có được những thắng lợi trong kháng chiến, cách mạng và thành công trong công cuộc đổi mới, Đảng đã huy động được những đóng góp của nhân dân cả ở trong nước và nước ngoài. Với các nước khác cũng vậy, nguồn lực cũng như tri thức của kiều bào luôn được coi trọng. Thực tế, ĐCS Việt Nam đã ra nhiều nghị quyết để thu hút nguồn lực này và chúng tôi mong rằng ĐCS Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để kiều bào đóng góp thiết thực xây dựng quê hương. Khi đó ĐCS Việt Nam càng có thêm sức mạnh để tiếp tục giành thắng lợi, thành công trong vai trò lãnh đạo để đưa dân tộc Việt Nam tiến xa hơn nữa.
Khó khăn nhất của một đảng lãnh đạo là không được xa rời nhân dân. Một đảng cầm quyền ở nước nào cũng vậy, cần lấy nhân dân làm gốc để xây dựng mục tiêu lãnh đạo của Đảng. Do đó, các đảng viên ĐCS Việt Nam phải có trách nhiệm tập hợp, báo cáo để tổ chức đảng các cấp nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân, đồng thời giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu và theo Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm. Người từng nói: Người cày có ruộng, người dân không bị đói, được học, hiểu biết. Gần dân, sát dân thì những chủ trương của Đảng sẽ được người dân quan tâm, ủng hộ.
Thứ hai là đảng viên phải đi đầu, gương mẫu, trong sạch, tiên phong. Muốn có được như vậy thì tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn kết nạp đảng viên không phải là chuyện đơn giản, hay coi nhẹ. Thí dụ: các đảng viên phải nghiêm túc trong sinh hoạt đảng, trong sạch vì có như vậy mới làm gương cho người dân. Đảng viên phải thực sự là người trong sạch, đi đầu tiên phong. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng và Đảng cần coi trọng vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tiêu chuẩn, mất phẩm chất hay có vi phạm, thì mới giữ vững được vai trò, uy tín của Đảng.
Thứ ba, muốn Đảng vững mạnh thì đưa ra được những quyết sách đúng vào thời điểm quan trọng. Trong những bước ngoặt lịch sử của Việt Nam, cho đến nay đều có vai trò vô cùng quan trọng của ĐCS Việt Nam, nhận định đúng tình hình, tận dụng thời cơ - cơ hội, đồng thời phát huy trí tuệ của đảng viên gắn chặt với người dân, vì lợi ích của người dân. Khi đó không có một nhiệm vụ nào hay thế lực nào có thể làm thay đổi được vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam. Bởi vì bản thân người dân là người bảo vệ Đảng.
Trong thời điểm bước sang năm mới, cũng như kỷ nguyên bùng nổ khoa học kỹ thuật, vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam lại càng quan trọng. Bởi vì trong một xã hội thông tin đa chiều, nếu không có thông tin chắc chắn và niềm tin thì dễ bị lung lay như "đẽo cày giữa đường". Phải có niềm tin xây dựng trên cơ sở nhận định hết sức khoa học, đồng thời tính toán được tất cả các yếu tố, tận dụng mọi cơ hội phát triển của thế giới thì chúng ta mới thực hiện thành công nhiệm vụ là đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc đoàn kết, xây dựng một đất nước hiện đại.
Đảng và Nhà nước vẫn luôn đề cao vai trò của trí thức cũng như kiều bào ở nước ngoài. Vì đây là một lực lượng rất đông đảo, là một bộ phận của Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tôi và nhiều trí thức ở Pháp, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới vẫn kỳ vọng là làm thế nào để ngày càng có nhiều trí thức, kiều bào hướng về Đảng.
Chúng ta đều biết bài học trên thế giới, đã được chứng minh rằng nếu cộng đồng kiều bào ở nước ngoài mạnh thì có thể đóng góp rất lớn cho đất nước. Và với Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc rất có ý nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của bà con ở nước ngoài, nhưng chúng ta phải làm thể nào để cộng đồng người Việt ở nước ngoài trở thành một lực lượng mạnh thật sự. Muốn được như vậy, cần có bước đi rất dứt khoát, bài bản, có tổ chức và người chịu trách nhiệm, trên cơ sở tổ chức khoa học. Như vậy mới tạo điều kiện để xây dựng chính sách, thu hút kiều bào đóng góp trực tiếp tốt hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước, đồng thời đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nâng cao đánh giá của bạn bè quốc tế với Việt Nam.
Khải Hoàn
(Báo Nhân Dân)