Một số kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại Kiên Giang
Thứ Ba, 28/01/2020, 08:06 [GMT+7]
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan tư pháp tỉnh Kiên giang có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, từ đó, công tác cải cách tư pháp của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong 15 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW tại tỉnh Kiên Giang được tổ chức một cách đồng bộ, toàn diện. Chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư pháp, trọng tâm là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên rõ rệt. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp được củng cố, tăng cả về số lượng, chất lượng. Vai trò của các hoạt động bổ trợ tư pháp từng bước được khẳng định. Sự phối, kết hợp của các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan tư pháp trong thực thi nhiệm vụ ngày càng được tăng cường và phát huy hiệu quả; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể rút ra các bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, việc triển khai thực hiện nghị quyết số 49-NQ/TW được cấp ủy tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị quan tâm, sát sao trong việc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã xây dựng Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 03/4/2006 cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 49- NQ/TW; tổ chức triển khai đến cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan tư pháp tỉnh. Thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh có nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy theo dõi thực hiện công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 139-KH/TU về thực hiện Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 03/10/2016 về thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021… Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan tư pháp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế xây dựng các văn bản để cụ thể hóa thực hiện. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và các huyện, thành ủy đều tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong từng giai đoạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành sơ kết 03 năm và tổng kết 5 năm, tổng kết 8 năm, tổng kết nhiệm kỳ 2011-2015, sơ kết giữa nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 30/6/2018 về công tác cải cách tư pháp theo chỉ đạo của Trung ương.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW tại Hội nghị lấy ý kiến đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW |
Việc cụ thể hóa, triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW được cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan tư pháp quan tâm thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ cải cách tư pháp được thực hiện nghiêm túc bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng; qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với các cơ quan tư pháp trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp
Công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ-TW: Chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều dự thảo quan trọng(1). Một số dự thảo luật quan trọng được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân như: Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… Góp ý vào các đề án và tổ chức hoạt động của Cơ quan điều tra(2); Viện kiểm sát nhân dân(3); Tòa án nhân dân(4)…
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm, bảo đảm nội dung, tiến độ thời gian và kế hoạch chung của tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp ban hành đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đã chủ động phối hợp thực hiện kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; qua đó, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ ba, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, năm 2018, các cơ quan tư pháp tỉnh đã sắp xếp, kiện toàn các bộ phận chức năng theo quy định về tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thường xuyên kiện toàn bộ máy các cơ quan tư pháp ở hai cấp, bổ sung lãnh đạo quản lý, đề nghị bổ nhiệm các chức danh tư pháp như: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để đáp ứng yêu cầu công tác. Ngành Công an đã tổ chức khảo sát và sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an (hiện còn 24 đơn vị đầu mối trực thuộc); bổ sung đủ biên chế cho các cơ quan điều tra với 202 điều tra viên, trong đó, có 20 điều tra viên cao cấp, 79 điều tra viên trung cấp, 103 điều tra viên sơ cấp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh tư pháp cho 596 trường hợp, miễn nhiệm 227 trường hợp. Viện kiểm sát nhân dân có 253 biên chế, trong đó, có 01 kiểm sát viên cao cấp, 56 kiểm sát viên trung cấp, 116 kiểm sát viên sơ cấp với 27 đơn vị trực thuộc. Tòa án nhân dân có 23 đơn vị trực thuộc gồm 08 tòa, phòng(5) trực thuộc Tòa án nhân dân tỉnh và 15 Tòa án nhân dân cấp huyện; 123 thẩm phán, 103 thư ký, 06 thẩm tra viên, 26 cán bộ văn phòng. Thi hành án dân sự có 20 đơn vị trực thuộc gồm 05 phòng chuyên môn và 15 Chi cục Thi hành án cấp huyện; toàn tỉnh có 76 chấp hành viên, 16 thẩm tra viên, 29 thư ký và 52 cán bộ.
Thứ tư, hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp
Về hoạt động luật sư: Từ năm 2005 đến nay, đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh phát triển về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, nâng tổng số hiện nay là 28 tổ chức với 72 luật sư. Chất lượng luật sư ngày càng được nâng lên, các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đã nhận và tham gia 12.482 vụ, việc(6). Đội ngũ luật sư đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân; đồng thời, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa và khắc phục kịp thời những thiếu sót, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật bảo vệ pháp chế XHCN, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, minh bạch, giải quyết việc làm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác giám định tư pháp: Thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp”, tổ chức giám định tư pháp và giám định viên tư pháp ngày càng được củng cố, kiện toàn và phát triển, chất lượng từng bước được nâng lên; việc đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho giám định được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyên môn của tổ chức giám định. Các tổ chức giám định và giám định viên đã thực hiện 19.373 vụ, việc, phục vụ tốt cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Cùng với đó, lĩnh vực công chứng và lĩnh vực trợ giúp pháp lý cũng được quan tâm, tạo điều kiện để củng cố và phát triển. Đến nay, có 14 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 02 phòng công chứng và 12 văn phòng công chứng, 36 công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng 648.123 hợp đồng, giao dịch, thu phí 153,212 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 11,871 tỷ đồng. Hoạt động công chứng góp phần bảo đảm tính pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, phục vụ tốt hơn nhu cầu công chứng của người dân. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã thực hiện 53.221 vụ, việc cho 53.221 đối tượng; phối hợp thực hiện tốt trợ giúp pháp lý lưu động các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có điểm nóng về khiếu kiện, đền bù giải tỏa hoặc theo yêu cầu đột xuất của chính quyền địa phương. Qua đó, giúp cho người dân hiểu biết và chủ động tham gia vào các quan hệ pháp luật; đồng thời, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thứ năm, tạo điều kiện và phát huy tốt chức năng giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực cải cách tư pháp. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện 01 cuộc giám sát về tình hình oan, sai trong việc thực hiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Công tác giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được đưa vào chương trình công tác hàng năm của HĐND các cấp(7). HĐND tỉnh đã tổ chức 36 cuộc họp thường lệ, chuyên đề và bất thường để thẩm tra báo cáo kết quả hoạt động định kỳ của các cơ quan tư pháp và chất vấn tại các kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác xét xử và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, đối với một số cơ quan(8). Qua đó, bước đầu đã chấn chỉnh, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường phối hợp tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ nhà tạm giữ, trại tạm giam; giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, công tác thi hành án, hoạt động công chứng và việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm… Qua đó, phát hiện, kiến nghị các cơ quan tư pháp khắc phục kịp thời những sai sót trong tố tụng. Tổ chức khảo sát đối với 15/15 huyện, thành phố về hoạt động mô hình “Nhóm nòng cốt” và “Câu lạc bộ pháp luật” trong việc thực hiện Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013-2016”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là việc tranh tụng của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đội ngũ Điều tra viên, Thẩm phán còn thiếu. Số lượng, chất lượng luật sư và giám định viên tư pháp còn hạn chế; đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phân bổ không đồng đều; còn thiếu luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là ở cấp huyện một số nơi còn thiếu...
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, khuyết điểm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 03-10-2016 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phối hợp về thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2016-2020.
Hai là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp và tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp. Các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp ở địa phương.
Ba là, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cơ quan tư pháp; tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp vững vàng về tư tưởng, chính trị, có trình độ năng lực và có đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bốn là, các cơ quan tư pháp cần chủ động phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho cấp ủy tập trung xử lý có hiệu quả tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm là, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp, đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc đối với những nơi chưa được đầu tư xây dựng, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác tư pháp.
Sáu là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát đối với hoạt động tư pháp, qua đó, kiến nghị với các cơ quan tư pháp khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động tư pháp.
Phan Bá