Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ Sáu, 10/01/2020, 15:03 [GMT+7]
    Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; việc xây dựng dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay. Qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
 
    Trong quá trình thảo luận cho thấy, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn còn một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau, cụ thể như sau:
 
    1. Về phạm vi hoạt động của Hòa giải viên (khoản 1 Điều 10 và Khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật)
 
    Theo nội dung của khoản 1 Điều 10 và khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội thì: Hòa giải viên chỉ được hoạt động giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án nơi họ đã được bổ nhiệm (tức là chỉ nằm trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án đó).
 
    Một số ý kiếnt tán thành với quy định của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên theo hướng Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải tại các Tòa án khác ngoài Tòa án họ đã được bổ nhiệm nhưng phải trong phạm vi cấp tỉnh. Quy định như vậy tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm. Đồng thời, với phạm vi hoạt động của Hòa giải viên trong một đơn vị cấp tỉnh, thì Tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng Hòa giải viên và kịp thời đề nghị chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những Hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc.
 
    Một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng các bên được lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Theo quy định này thì phạm vi hoạt động của Hòa giải viên giới hạn trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa Hòa giải viên với Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc, đề cao trách nhiệm quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên và tạo điều kiện cho Hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
 
    2. Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 6)
 
    Dự thảo Luật không quy định việc Nhà nước thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự.
 
    Một số ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự vì quy định như vậy thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội; đồng thời, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Hơn nữa, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, vì vậy trước mắt Nhà nước chưa nên thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án để khuyến khích người dân lựa chọn. Thực tiễn thí điểm cũng cho thấy việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.
 
    Một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với 03 trường hợp: (1) Pháp nhân, cá nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch; (2) Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; (3) Chi phí liên quan đến phiên dịch tiếng nước ngoài.
 
    3. Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên (Điều 9)
 
    Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định Hòa giải viên, Đối thoại viên ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì những người là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên. 
 
    Một số ý kiến tán thành quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Hòa giải viên tại Tòa án, bởi lẽ đây là chế định đặc biệt nên cần thu hẹp nguồn bổ nhiệm theo hướng nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ Hòa giải viên.
 
    Một số ý kiến cho rằng, đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự thảo Luật chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình (hoặc thời hạn 5 năm) mà không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm; bởi lẽ, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm Hòa giải viên.
 
    4. Về thủ tục ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 25)
 
    Khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội quy định theo hướng Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà không cần phải mở phiên họp với trình tự, thủ tục và thành phần như quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự.
 
    Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, chế định hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật này có tính chất đặc thù vì được thực hiện bởi các Hòa giải viên, Đối thoại viên do Tòa án lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm; quá trình hòa giải, đối thoại có sự giám sát, hỗ trợ về nghiệp vụ từ phía Tòa án/Thẩm phán; kết quả hòa giải, đối thoại được Thẩm phán xác nhận. Do đó, việc quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành như tại Khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật là cần thiết và hợp lý.
 
    Một số ý kiến cho rằng do tính chất quan trọng của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nên cần quy định mở phiên họp với trình tự, thủ tục và thành phần như quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự để bảo đảm căn cứ vững chắc cho việc ra quyết định của Thẩm phán và tương ứng như thủ tục công nhận kết quả hòa giải khác ngoài tố tụng.
 
    Ý kiến khác tán thành với dự thảo Luật, song để bảo đảm chặt chẽ, có đủ thời gian và đủ thông tin để Thẩm phán ra quyết định chính xác, đề nghị dự thảo Luật cần chỉnh lý theo hướng: (1) Nâng thời hạn chuẩn bị ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành từ 05 ngày lên thành 15 ngày để Thẩm phán có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; (2) Trong thời hạn này, bổ sung cho Thẩm phán quyền yêu cầu các bên đương sự trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp các tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời Tòa án trong 05 ngày làm việc. 
 
    5. Về việc xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Khoản 5 Điều 25)
 
    Khoản 5 Điều 25 dự thảo Luật trình Quốc hội quy định: “Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; trình tự, thủ tục xét lại Quyết định này được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính”.
 
    Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, nhất là của người thứ ba. Một số ý kiến chưa tán thành với dự thảo Luật vì cho rằng quy định này làm kéo dài thời gian giải quyết, do đó đề nghị giao cho Tòa án cấp trên có thẩm quyền xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nếu Quyết định này vi phạm Điều 25 của dự thảo Luật.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
.