Tấm gương người cán bộ nội chính mẫu mực, đạo đức, trong sáng, gần gũi, giản dị và liêm khiết
Trong những ngày cuối năm Canh Tý, chúng tôi cùng với Đoàn làm Phim tài liệu về 55 năm Ngày thành lập ngành Nội chính Đảng đến thăm và phỏng vấn đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Tiếp chúng tôi với sự ân cần, tình cảm, người Lãnh đạo cao nhất của Ban Nội chính Trung ương năm nào vẫn giữ cho mình phong thái gần gũi, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị. Những câu chuyện về ngành Nội chính Đảng qua lời kể của đồng chí thấm đẫm lòng nhiệt huyết của người cán bộ ngành Nội chính luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức, tư cách của người cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng (sinh ngày 11/11/1942), quê ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. “Chú Hai Nghĩa” - là tên gọi thân thuộc của nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ở địa phương, vùng quê ấm áp tình nghĩa xóm làng đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ. Với 79 tuổi đời, hơn 57 năm tuổi Đảng, hoạt động cách mạng liên tục cho Đảng, cho dân, đồng chí là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tinh thần tận tụy, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X; Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, X; Trưởng Ban Nội chính Trung ương (2001-2007); Ủy viên Bộ Chính trị khóa X; Phó Thủ tướng Chính phủ (2006-2011).
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương (đứng) thăm đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương (2001-2007) |
Với cương vị là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, giai đoạn 2001-2007, đồng chí Trương Vĩnh Trọng luôn phát huy vai trò người đứng đầu; tâm huyết, trách nhiệm với công việc, lãnh đạo cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu, đề xuất; (2) Thẩm định; (3) Hướng dẫn, kiểm tra; (4) Tham gia công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ trong khối cơ quan Nội chính Trung ương; (5) Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị và Ban Bí thư ủy quyền.
Đồng chí Trưởng Ban luôn giữ phong cách làm việc, lãnh đạo dân chủ, tỉ mỉ, sâu sát, chủ động, sáng tạo. Trước mỗi vấn đề mới từ thực tế cuộc sống, đồng chí chủ động về cơ sở, gặp cán bộ và nhân dân, tìm hiểu vấn đề, khơi gợi để mọi người đề xuất. Trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí đều lấy thực tiễn để kiểm định và kết luận. Đồng thời, nhắc nhở các các cán bộ, công chức thuộc Ban Nội chính Trung ương cần phải tổng kết thực tiễn để góp phần hoàn thiện chủ trương, đường lối đã đề ra. Nhờ đó, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cụ thể là: Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02/01/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Đây là Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị nhằm cụ thể hóa và phát triển những chủ trương nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng về công tác tư pháp. Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò của tư pháp trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; sự mong đợi của nhân dân và các cơ quan tư pháp, đưa nền tư pháp của đất nước ta lên một bước mới, tạo điều kiện tăng cường hợp tác quốc tế về công tác tư pháp.
Trên cơ sở định hướng nêu trong Nghị quyết Đại hội IX về công tác nội chính, Đồng chí đã lãnh đạo cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, phát biểu với Bộ Chính trị về nhiều dự án luật quan trọng, nhất là các dự án về tổ chức bộ máy, thiết chế chính trị, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, về lĩnh vực tư pháp, phát triển kinh tế… như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Biên giới, Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ luật Lao động, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)… Đồng thời, cán bộ của Ban cũng trực tiếp tham gia nhiều ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; góp ý với các cơ quan hữu quan về nhiều dự án pháp luật khác.
Được Bộ Chính trị giao là cơ quan thường trực giúp việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đó là: Tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; phối hợp tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức Hội nghị đánh giá 02 năm thực hiện Nghị quyết về công tác tư pháp trong toàn quốc.
Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị quyết định nhiều nội dung quan trọng trong các dự án luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và cải cách tư pháp, đó là: Việc điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát nhân dân vào việc tập trung thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chuyển giao nhiệm vụ quản lý Tòa án địa phương (từ Bộ Tư pháp) về Tòa án nhân dân tối cao; chủ trương tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện; thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đề cao vai trò của người bào chữa… Để nâng cao ý thức, thái độ và hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.
Trước tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, Đồng chí đã chủ động phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ xây dựng trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 06/3/2002 “Về một số việc cần làm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay”. Chỉ thị của Ban Bí thư ra đời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và các cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tạo sự chuyển biến bước đầu trong công tác này. Ngoài việc tham mưu định hướng chung, Ban Nội chính Trung ương còn phối hợp hoặc trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vụ khiếu kiện, phức tạp, kéo dài ở các địa phương, như: Giao Thủy (Nam Định); Hà Tây (cũ); Mê Linh (Vĩnh Phúc); Hải Dương; Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh…; tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết có hiệu quả một số vụ việc người dân khiếu nại kéo dài, góp phần ổn định tình hình ở một số địa phương, khu vực.
Trong những năm 2001, 2002, 2003, Đồng chí đã chỉ đạo cán bộ, công chức trong Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu và báo cáo Ban Bí thư về tình hình di cư tự do của người Hmông sang Lào; tình hình truyền đạo Tin lành trái phép; tình hình an ninh, chính trị trong vùng đồng bào dân tộc Khơme Nam Bộ, qua đó tham gia xây dựng và triển khai thực hiện một số nghị quyết của Bộ Chính trị về an ninh, quốc phòng như Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/01/2002 “Về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên”; Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/4/2002 “Về tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nam Bộ”; Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Phát huy những thắng lợi trong việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, để có định hướng lãnh đạo tiến hành cải cách toàn diện và cơ bản công tác tư pháp, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì cùng các ngành, các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đây là nghị quyết rất quan trọng có tầm chiến lược, thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác tư pháp với mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể nhằm đưa nước ta trở thành một nước có nền tư pháp văn minh. Tham gia xây dựng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”; tham gia soạn thảo, xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH, ngày 17/3/2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.
Trước thực trạng tham nhũng gia tăng, Ban Nội chính Trung ương chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa X). Ngoài việc đề xuất tham mưu xây dựng thể chế, Ban Nội chính Trung ương còn tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, định hướng hoạt động của các cơ quan trong khối Nội chính; kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong khối Nội chính, trước hết là đường lối, chủ trương về lĩnh vực nội chính, tổ chức cán bộ và công tác xây dựng Đảng. Nắm tình hình, trao đổi hướng dẫn các cấp ủy địa phương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nội chính. Nghiên cứu, biên soạn tài liệu tổ chức tập huấn để bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác nội chính của cấp ủy các tỉnh, thành phố, quận, huyện trong cả nước. Cùng với việc nghiên cứu tham mưu về chủ trương, định hướng chung, người đứng đầu Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo thường xuyên nắm tình hình tham mưu, tham gia giải quyết nhiều điểm nóng về khiếu kiện, trật tự xã hội và vụ việc phức tạp về dân tộc, tôn giáo.
Trước thực trạng nhiều vụ án lớn, phức tạp được Ban Bí thư, Bộ Chính trị quan tâm, chỉ đạo xử lý, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã tích cực, chủ động đôn đốc nắm tình hình, trao đổi với các cơ quan tố tụng, các cấp ủy địa phương có liên quan, nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư phương hướng xử lý. Đồng thời, cũng tích cực tham mưu cho Đảng trong thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những đóng góp của Ban Nội chính Trung ương thời gian này góp phần khẳng định quan điểm của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong giai đoạn mới thông qua việc xử lý hàng loạt vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp như Vụ án Năm Cam, vụ Minh Phụng - EPCO, vụ Tân Trường Sanh, vụ Vũ Xuân Trường, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18…; một số vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra tại Tây Nguyên, Tây Nam bộ…
Trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, đồng chí Trương Vĩnh Trọng đã lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương làm tốt vai trò phối hợp tạo nên sự quyết tâm thống nhất cao trong điều tra, truy tố, xét xử. Do vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong xử lý vụ án được khắc phục, giúp cho quá trình xử lý của các cơ quan tố tụng và các cơ quan có thẩm quyền xử lý cán bộ, đảng viên thực hiện đúng pháp luật, đúng Điều lệ Đảng. Là người đứng đầu của Ban Nội chính Trung ương, Đồng chí kiên quyết nói không với tham nhũng, chỉ đạo các cơ quan ban ngành quyết liệt trong công tác phòng chống, bài trừ tham nhũng. Trong bài phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2006-2010, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, “Cán bộ chủ chốt của các cấp ủy cần gương mẫu thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực và không khoan nhượng với bất cứ trường hợp tham nhũng nào khi bị phát hiện, xử lý, kể cả người thân của mình; đồng thời, tăng cường giáo dục, nhắc nhở vợ (chồng), con và nhân viên công tác gần gũi với mình, không để họ lợi dụng uy tín của mình để tham nhũng”.
Năm 2010, dự và chỉ đạo Hội nghị biểu dương các cá nhân có thành tích PCTN, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: “Để công tác PCTN có hiệu quả, cần đặc biệt tạo cơ chế khuyến khích việc tố cáo các hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, công sở và tiếp tục nhân rộng các điển hình đóng góp cho công tác PCTN. Đồng thời, phải tăng cường cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đứng ra đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, không để họ phải đơn thương độc mã chống lại cái xấu”. Trong suốt quá trình gắn bó với ngành Nội chính Đảng, đồng chí luôn trăn trở, dành nhiều tâm huyết, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta.
Từ những kết quả đã đạt được, Ban Nội chính Trung ương nói riêng và ngành Nội chính Đảng nói chung đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có sức lan tỏa lớn lao, giúp Đảng thực nguyện ý nguyện của mình với dân, đem đến cho dân sự bình đẳng, công bằng, sự quang minh chính trực. Giúp dân tin Đảng, hiểu Đảng và đồng hành cùng Đảng. Trong đó, có dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả rõ nét của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Năm 2006, Ban Nội chính Trung ương được Chủ tịch nuớc Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là phần thưởng cao quý cho Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Trương Vĩnh Trọng. Sau nhiều năm hoạt động cách mạng, cống hiến liên tục cho Đảng, cho dân, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã tỏ rõ một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tinh thần tận tụy, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Tấm gương của đồng chí mãi tỏa sáng, cổ vũ tinh thần, ý chí của cán bộ, đảng viên, nhân viên của Ban Nội chính Trung ương noi theo; tiếp tục tiến bước trên con đường xây dựng ngành Nội chính Đảng…, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Ban Nội chính Trung ương là “tai mắt”, là “bộ óc” của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng”. Trong những ngày kết thúc năm cũ, chuẩn bị sang năm mới Tân Sửu, chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ngành Nội chính Đảng khiến chúng tôi - những thế hệ cán bộ ngành Nội chính hôm nay vinh dự và tự hào với truyền thống của Ngành, nguyện noi gương thế hệ đi trước, noi gương đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Kính chúc Bác cùng gia đình đón mùa Xuân mới Tân Sửu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn là chỗ dựa vững chắc cho thế hệ trẻ. Chúng tôi nguyện không ngừng cố gắng, nỗ lực phấn đấu là người cán bộ làm công tác nội chính có năng lực chuyên môn; có phẩm chất đạo đức trong sáng; tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc Việt Nam; sẵn sàng vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Phát huy hơn nữa truyền thống quý báu của ngành Nội chính Đảng là “Trung thành - Liêm chính - Bản lĩnh - Sáng tạo”, làm thật tốt công việc của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là “tai mắt”, là “người gác gôn” của Đảng để Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng được thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất. Đặc biệt trong lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp trong thời đại mới.
Bùi Thu Huyền
(Ban Nội chính Trung ương)