Điểm báo tuần số 591 từ ngày 23/9 đến ngày 29/9 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 30/09/2024, 09:03 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tin tức, Nhân Dân, Lao động, Điện Biên (23/9), Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các lực lượng triệt phá thành công chuyên án ma túy, bắt giữ hai đối tượng thu giữ 6 bánh heroin. Trước đó, tại khu vực bản Ten Núa, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, Ban chuyên án đã bắt giữ Vừ A Thơm, trú tại bản Huổi Chanh, xã Na Tông về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra đã bắt giữ Lầu A Sùng, trú tại bản Từ Xa B, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
 
    Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao động, VietNamPlus, Công an nhân dân, SGGP (24/9) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hoàng Việt Khánh, trú tại huyện Đức Trọng 8 năm tù (buộc quản chế tại địa phương 3 năm sau khi mãn hạn tù) về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. Theo cáo trạng, Khánh tạo lập tài khoản trên mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ các bài viết của các đối tượng chống đối; đồng thời, tự biên soạn các bài viết, video clip, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ;... 
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Điện tử ĐCS, Chính phủ điện tử, Pháp luật Việt Nam, VnExpress, VietNamNet, Công lý, Lao động, Người Lao động, Dân trí, Bảo vệ pháp luật, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Đại đoàn kết, Thanh tra, Báo mới, Hà Nội mới, An ninh thủ đô, SGGP (23/9) phản ánh, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và các kiến nghị, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Các báo (25/9) thông tin thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, số đơn có đủ điều kiện xử lý năm 2024 ở bộ, ngành là 52,1%, Thanh tra Chính phủ là 34,4%, 45/63 địa phương là 85,1%. Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số đơn không đủ điều kiện xử lý ở các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là ở Thanh tra Chính phủ, để có giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp.
 
Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
    Đài THVN, báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Lao động, Dân trí, Kinh tế đô thị, Lâm Đồng (25/9) cho biết, Công an tỉnh Lâm Đồng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thành Công, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phạm Thành Công đã nhận tiền của người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng để giúp đỡ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, sau thời gian dài, ông Công không giúp được nhưng cũng không trả lại tiền. Sau đó, người này đã tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ông Công.
Báo Nhân Dân, Tin tức, VietNamPlus, Truyền hình Công an nhân dân, Người Lao động, Dân trí, Đại đoàn kết (27/9) đưa tin, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt giữ Lê Trung Thành, trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi từ thiện. Từ tháng 12/2021, Lê Trung Thành đã mạo danh một nhà sư thường xuyên làm từ thiện và lập trang facebook “Mái Ấm Tình Thương”, sau đó, đối tượng đã sao chép những bài viết kêu gọi hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh rồi sửa số tài khoản nhận tiền, đăng tải lên trang facebook này và một số trang khác. Theo Cơ quan điều tra, số tiền đối tượng chiếm đoạt thông qua hình thức mượn danh người khác kêu gọi từ thiện từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2024 là khoảng 400 triệu đồng.
 
    Đài THVN, báo Pháp luật Việt Nam, Đại biểu nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM, VietNamNet, Công an TP.HCM (29/9) phản ánh, Công an TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Lê Văn Đức, nhân viên tín dụng một ngân hàng trên địa bàn TP. Phú Quốc để phục vụ điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đức khai nhận từ năm 2023 đến nay, đã chiếm đoạt của nhiều người dân số tiền trên 10 tỷ đồng, với thủ đoạn đưa ra thông tin gian dối là vay tiền đáo hạn ngân hàng, nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại để trả nợ và chi tiêu cá nhân.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
 
    TTXVN, báo Nhân Dân, Lao động, VietNamPlus, Dân trí, Đại biểu nhân dân, Pháp luật TP.HCM, Tiền phong, Công an nhân dân, SGGP (23/9) đưa tin, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu ban hành kết luận thanh tra các dự án, gói thầu có liên quan do UBND huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai) làm chủ đầu tư. Thanh tra tỉnh kiến nghị kiểm điểm đối với các ông: Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản huyện Giá Rai, hiện giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng tỉnh; Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Giá Rai... Cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý dự án thị xã, Phòng Kế hoạch Tài chính thị xã cũng có tên trong danh sách bị đề nghị xem xét kỷ luật.
 
    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử, VietNamPlus, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, VietNamNet, VnExpress, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Lao động (23/9), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, đồng thời, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 08 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong vụ án, bị can Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”. Các bị can Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”. 05 bị can khác là các cựu lãnh đạo, nhân viên Nhà xuất bản bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu Trưởng Ban Kế hoạch Maketing; Đinh Quốc Khánh, cựu Phó Trưởng phòng in; Phạm Gia Thạch, Hội đồng thành viên; Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải, cùng là cựu Phó Giám đốc. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Đức Thái nhận hối lộ từ Tô Mỹ Ngọc 20 tỷ đồng và giúp nhóm Công ty của Ngọc trúng 13 gói thầu, tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng; tổng số tiền ông này nhận hối lộ là 24,9 tỷ đồng. Báo VnExpress, VietNamNet, Giao thông, An ninh Thủ đô, Công an TP. Đà Nẵng, Lạng Sơn (27/9) cho biết, mỗi lần nhận túi quà tiền tỷ, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục đều cất vào két sắt sau bàn làm việc và sử dụng vào việc cá nhân. Ngoài nhận tiền từ Ngọc, Nguyễn Đức Thái còn nhận 4,9 tỷ đồng của Nguyễn Trí Minh. Theo kết luận điều tra, bị can Thái đã phối hợp với gia đình nộp lại 3 tỷ đồng tiền hối lộ. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kê biên 3 bất động sản của ông Thái để đảm bảo việc khắc phục hậu quả vụ án. Bị can Ngọc đã cùng gia đình nộp lại 19 tỷ đồng là tiền lợi nhuận thu được trong thực hiện gói thầu mua sắm giấy in sách năm 2017. Bị can Minh và gia đình đã nộp lại 2,78 tỷ đồng tiền lợi nhuận thu được trong vụ án này. Cơ quan điều tra cũng kê biên 17 bất động sản đứng tên Nguyễn Trí Minh. Phong tỏa 105 tỷ đồng trên các tài khoản của bị can Tô Mỹ Ngọc. Ngăn chặn giao dịch đối với 4 bất động sản và 2 tài khoản chứng khoán đứng tên Tô Mỹ Ngọc. Báo VietNamNet (27/9) phản ánh, trong vụ án, ngoài việc chỉ ra những sai phạm của các bị can, Cơ quan điều tra còn có một số kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về Khoản 7, Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó quy định rõ về hạn mức được áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu theo các quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu mà doanh nghiệp được ban hành. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của Nhà xuất bản Giáo dục, trong đó quy định rõ việc kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp trong suốt quá trình đấu thầu và các trường hợp bắt buộc phải báo cáo Bộ về kết quả lựa chọn nhà thầu.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Lao động, Thanh niên, Tiền Phong, VnExpress, Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, An ninh Thủ đô, SGGP (24/9) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng, cựu Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế mức án tử hình về tội Tham ô tài sản. Từ tháng 3/2009 -02/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mở 6 tài khoản tại một ngân hàng. Trong quá trình quản lý, sử dụng, Nguyễn Hoàng đã có hành vi viết khống 409 giấy rút tiền, séc và ủy nhiệm chi để rút hơn 246 tỷ đồng, trong đó, dùng 152 tỷ vào mục đích cá nhân. Liên quan đến vụ án, Tòa cũng đưa 02 cựu Viện trưởng Đặng Đức Anh và Nguyễn Trần Hiển; Phạm Sơn Thủy, cựu Kế toán trưởng ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đặng Đức Anh, Nguyễn Trần Hiển cùng bị tuyên phạt 3 năm tù và Phạm Sơn Thủy bị tuyên phạt 4 năm tù.
 
    Theo tin từ báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Điện tử ĐCS, Tiền phong, An ninh thủ đô, VietNamNet, Thanh tra, VnExpress, Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM (25/9), Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Vương Bình Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị thi hành kỷ luật về Đảng. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 40 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Vương Bình Thạnh.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, VietNamPlus, Công lý, Lạng Sơn (25/9) thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ quyết định khởi tố bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra Công ty TNHH điện gió Quang Minh Đắk Nông có địa chỉ tại thôn Rừng Lạnh, xã Đắk Hòa, Huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Đây là công ty do ông Wei Xing, quốc tịch Trung Quốc điều hành và là bị can trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ. Theo kết quả điều tra, từ tháng 4/2021-5/2022, Wei Xing đã điều hành Công ty cổ phần năng lượng mới Thiên Vũ Việt Nam (địa chỉ tại tầng 6 tòa nhà MD Complex, số 68 đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua 26 hóa đơn khống với hơn 109 tỷ đồng để phục vụ việc quyết toán thi công dự án điện gió Đắk Hòa.
 
    Theo tin từ Đài THVN, Đài TNVN, báo Điện tử ĐCS, VnExpress, VietNamNet, Dân trí (25/9), Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội xử lý vi phạm tổ chức đảng và đảng viên liên quan gói thầu “Thi công xây dựng cầu đoạn từ trụ 25 đến 47 thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2”, do liên danh Công ty CP phát triển xây dựng thương mại Thuận An (Công ty Thuận An) và Công ty CP Cầu 7 Thăng Long thực hiện. Theo đó, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Đảng ủy Ban Giao thông nhiệm kỳ 2020-2025; cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Trịnh Văn Thanh, Phó trưởng Phòng và ông Lê Văn Măng, viên chức Phòng Quản lý thực hiện dự án 2; cảnh cáo ông Nguyễn Chí Cường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc và ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Giao thông; khiển trách ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, nguyên Phó Giám đốc Ban Giao thông và ông Nguyễn Đình Đán, Vũ Tiến Bình, viên chức Phòng Quản lý thực hiện dự án 2; cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc và Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Giao thông; quyết định cho ông Nguyễn Chí Cường thôi giữ chức vụ Giám đốc, ông Phạm Văn Duân thôi giữ chức Phó Giám đốc Ban Giao thông.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại biểu nhân dân, Chinhphu.vn, Điện tử ĐCS, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động, Thanh niên, Tiền phong, Công lý, Đại đoàn kết, Dân trí, Dân Việt, Pháp luật Việt Nam, Giao thông, Phụ nữ Việt Nam, Công an Đà Nẵng, Pháp luật TP.HCM, VietNamNet, VnExpress, VietNamPlus, VTC News, SGGP, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô (25/9) phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc và phương tiện cá nhân đối với ông Đồng Xuân Thụ, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bùi Văn Toàn, Trưởng Ban kinh tế, môi trường; Cao Thị Thu Hường, Kế toán; Nguyễn Ngọc Tuyên, Nguyễn Tất Triển, phóng viên để điều tra tội Cưỡng đoạt tài sản. Từ năm 2020, ông Đồng Xuân Thụ chỉ đạo thành lập chương trình gây quỹ “Cây Chổi Vàng” để tôn vinh, ủng hộ, làm từ thiện giúp đỡ công nhân vệ sinh môi trường toàn quốc có hoàn cảnh khó khăn. Ông Thụ chỉ đạo cán bộ, phóng viên, cộng tác viên đi kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ tiền để gây quỹ rồi cưỡng đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên cả nước với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Các báo này (27/9) cho biết thêm, liên quan đến vụ án, Cơ quan điều tra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với 1 Phó Tổng Biên tập cùng 2 phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. Theo đó, Cơ quan điều tra ra lệnh giữ người đối với Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Tổng Biên tập; Đặng Văn Phục và Vũ Đức Lân, phóng viên, để điều tra về hành vi có dấu hiệu tội phạm cưỡng đoạt tài sản. Hiện, Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tập trung điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm minh, triệt để, thu hồi tài sản theo quy định của pháp luật.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM,Thanh niên, Đại đoàn kết,VnExpress, VietNamPlus, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong (26/9) đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, bỏ phiếu kín thông qua và ban hành Nghị quyết số 1184/NQ-UBTVQH15 về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Đình Văn thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đơn vị bầu cử số 3 gồm: Thành phố Bảo Lộc và các huyện: Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trần Đình Văn.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN báo Nhân Dân, Người Lao động, Thanh tra, Công lý, Tuổi trẻ TP.HCM, Đại biểu nhân dân, Dân trí, Tiền phong, VietNamPlus, VietNamNet (26/9) đưa tin, sau gần 4 ngày xét xử sơ thẩm nhóm bị cáo là Giám đốc, nhân viên nhiều công ty thủy sản lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh An Giang (Vietcombank An Giang),  Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ trách nhiệm dân sự đối với số tiền hơn 600 tỷ đồng để tránh bỏ lọt tội phạm. Liên quan đến vụ án, trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cũng đã khởi tố 4 bị can nguyên trưởng, phó phòng và nhân viên phòng khách hàng Vietcombank An Giang để điều tra cùng về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
    Đài THVN, báo Chính phủ điện tử, Lao động, Người Lao động, Tri thức và Cuộc sống (26/9) cho biết, Công an huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Thị Thắm, công chức địa chính nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã Khang Ninh, huyện Ba Bể về tội nhận hối lộ. Trước đó, Công an huyện Ba Bể nhận được đơn tố giác của ông Đ., trú tại thôn Nà Kiêng, xã Khang Ninh, theo nội dung đơn, năm 2022, khi ông Đ. làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thắm đã yêu cầu ông phải chi số tiền 30 triệu đồng. Đến ngày 14/10/2022, Thắm trực tiếp đến nhà ông Đ. để nhận 10 triệu đồng và yêu cầu bị hại chuyển khoản thêm 20 triệu đồng đến số tài khoản bị can cung cấp. 
 
    Báo Công an nhân dân, VnExpress, Bảo vệ pháp luật (25/9) phản ánh, Công an tỉnh Lâm Đồng bắt tạm giam đối với Võ Hồng Thắng, Giám đốc kinh doanh khu vực, đại diện thương mại của Công ty TNHH Garsoni (Việt Nam) để điều tra về tội Tham ô tài sản. Theo điều tra, từ năm 2017- 2023, Thắng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Công ty số tiền khoảng 2,7 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN báo Nhân Dân, Lao động, Người Lao động, Thanh tra, Công lý, Tuổi trẻ TP.HCM, Đại biểu nhân dân, Dân trí, Tiền phong, Thanh niên, Phụ nữ Việt Nam, Đại đoàn kết, VietNamPlus, VietNamNet, Chinhphu.vn, SGGP, VnExpress (25/9) đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và 1 bị hại là bà P.T.T ở Thanh Hóa. Tại tòa, Chủ tịch Tân Hoàng Minh thừa nhận những nội dung mà bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên trước đó. Giai đoạn sơ thẩm, có khoảng 1.000 bị hại đã nhận đủ tiền bồi thường có đơn xin giảm án. Trước phiên phúc thẩm tiếp tục có 262 cá nhân, pháp nhân xin giảm hình phạt cho Chủ tịch Tân Hoàng Minh. Dẫn thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội cho biết, toàn bộ bị hại đã nhận được tiền bồi thường, do đó, Hội đồng xét xử đánh giá, ông Đỗ Anh Dũng có tình tiết giảm nhẹ án nên tuyên phạt 7 năm tù (giảm 1 năm tù so với phiên sơ thẩm), đồng thời bác đơn kháng cáo của bị hại.
 
    VTC News, báo Đầu tư (25/9) đưa tin, trong phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục với phần xét hỏi về hành vi rửa tiền. Cáo trạng chỉ rõ, từ năm 2018 đến ngày 07/10/2022, Chu Lập Cơ đã sử dụng hơn 33 tỷ đồng từ các thẻ tín dụng với số tiền mà Trương Mỹ Lan phạm tội mà có. Căn cứ tài liệu điều tra, cơ quan chức năng xác định ông đã cùng Trương Mỹ Lan hợp thức hóa và sử dụng số tiền này. Trương Mỹ Lan khai đã ép Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) sử dụng nguồn tiền từ các thẻ tín dụng của SCB có hạn mức tới 10 tỷ đồng. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Người Lao động, Công an nhân dân, Thanh niên, Tiền phong, SGGP, Công an TP.HCM, Truyền hình Công an nhân dân, Lạng Sơn, Hòa Bình (27/9) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong đó, trọng tâm là phần xét hỏi về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nhận toàn bộ trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm của những đồng phạm liên quan các cáo buộc này. Theo đó, từ năm 2012-2022, bà Lan đã chỉ đạo Trịnh Quang Công (cựu Tổng Giám đốc Công ty Acumen) phối hợp với Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Chiu Bing Keung Kenneth (cựu luật sư, được bà Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) lập hợp đồng “khống” giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (công ty “ma”) để vận chuyển hơn 4,5 tỷ USD, tương đương 106.000 tỷ đồng. Bà Lan khai đây là những khoản tiền bà vay mượn, được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. SCB chỉ đóng vai trò là kênh thực hiện giao dịch.
 
    Báo Đại biểu nhân dân, Xây dựng, SGGP, Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Chinhphu.vn (27/9) phản ánh, Thanh tra Chính phủ kiến nghị các đơn vị liên quan thu hồi nộp ngân sách tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng do các sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Tín Nghĩa nay là Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa (Công ty Tín Nghĩa). Theo thông báo Kết luận, trách nhiệm liên quan đến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất không đúng (nếu có) chủ yếu thuộc về đơn vị tư vấn là Công ty Grant Thornton, có phần trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Tín Nghĩa và nhiều đơn vị liên quan… Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; chỉ đạo thu hồi nộp số tiền đã xác định được do vi phạm trong việc định giá một số tài sản là công trình trên đất và việc bán thêm cổ phần cho người lao động về ngân sách Đảng của Tỉnh ủy Đồng Nai. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, có hình thức chấn chỉnh đối với hoạt động tư vấn thẩm định giá của Công ty Grant Thornton theo quy định; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét, xử lý theo quy định.
 
    Báo Nhân Dân, Pháp luật TP.HCM, Dân trí, Giao thông, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Gia Lai, Đài PTTH Lạng Sơn (28/9) đưa tin, Công an tỉnh Gia Lai quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thế Quang, cựu Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Lựu, cựu Phó Chánh Văn phòng và bà Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi, kế toán để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Từ năm 2023, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã có báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết vụ việc xảy ra tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh giai đoạn 2013-2016 với nội dung chi tiếp khách không đúng quy định số tiền hơn 4 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Kinh tế đô thị, Thanh niên, Lao động (29/9) cho biết, Công an TP. Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ Địa chính - xây dựng thuộc UBND phường Phú Sơn về tội “Giả mạo trong công tác”. Theo kết quả điều tra, Thành được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ của công dân trên địa bàn phường để làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở và nhận làm hộ một số người dân về thủ tục này. Thành thông báo tới người dân đóng các loại thuế, lệ phí theo quy định và tiền hỗ trợ tiền xăng xe đi lại làm thủ tục với mức giá từ 2-3 triệu đồng/bộ; qua đó, Thành đã làm và cấp 4 giấy phép xây dựng giả, thu của người dân số tiền 85 triệu đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (27/9) đưa tin, Văn phòng Công tố đặc biệt chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức của Albania (SPAK) chính thức truy tố cựu Thủ tướng, lãnh đạo Đảng Dân chủ Sali Berisha cùng con rể Jamarbër Malltezi về tội tham nhũng, rửa tiền. Theo điều tra, Sali Berisha đã lạm quyền giúp Jamarbër Malltezi tư nhân hóa khu liên hợp thể thao Partizani rộng 26.000 mét vuông thuộc sở hữu của quân đội tại Tirana, thay vì đấu giá công khai để xây dựng chung cư. Jamarbër Malltezi đã thu lợi bất chính từ việc tư nhân hóa đất đai các khu thể thao, thay đổi quy hoạch đất đai từ khu thể thao sang khu dân cư và rửa tiền với tư cách là nhà đầu tư của Homeplan., Ltd và “bỏ túi” hơn 5 triệu euro. Cựu Phó Thủ tướng Arben Ahmetaj và một số thành viên hiện tại của Quốc hội, cựu bộ trưởng, thứ trưởng và các cựu thị trưởng cũng có liên quan đến vụ án.
 
    Báo Công an nhân dân, Thanh niên, Thanh tra, Tuổi trẻ TP.HCM, Nhà báo và Công luận, Dân trí, Đài THVN, Công an TP. Đà Nẵng (27/9) đưa tin, Thị trưởng TP. New York (Mỹ), ông Eric Adams đã bị truy tố trong một cuộc điều tra tham nhũng của liên bang và là thị trưởng đầu tiên trong lịch sử thành phố này bị khởi tố khi đang tại nhiệm. Ông này bị truy tố về năm tội danh liên bang liên quan đến hối lộ, gian lận và kêu gọi đóng góp tiền vận động tranh cử từ công dân nước ngoài. Theo cáo trạng: “Trong gần một thập kỷ, Adams đã tìm kiếm và chấp nhận những lợi ích có giá trị không chính đáng, chẳng hạn như các chuyến du lịch quốc tế xa xỉ, bao gồm cả từ các doanh nhân nước ngoài giàu có và ít nhất một quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách gây ảnh hưởng đến ông ta”. Bản cáo trạng cáo buộc những hành vi bất hợp pháp của ông Adams kéo dài từ năm 2014, khi ông còn là Quận trưởng quận Brooklyn.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Kỷ luật cảnh cáo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang;
    - Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục nhận hối lộ;
    - Bắt Tổng Biên tập và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam;
    - Tuyên phạt tử hình cựu Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về tội Tham ô tài sản. 
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH
.