Đoàn công tác số 3 Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW làm việc tại Yên Bái

Thứ Ba, 06/08/2019, 15:40 [GMT+7]
    Đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Yên Bái.
 
    Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”.
 
    Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan tư pháp tỉnh.
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
    Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, công tác cải cách tư pháp ở tỉnh Yên Bái đã được cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác tư pháp có nhiều chuyển biến. 
 
    Tỉnh đã thực hiện có kết quả, đúng lộ trình chủ trương tăng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện, mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; thực hiện tốt công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tư pháp, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, trong chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp, nghiêm trọng; thực hiện nghiêm chủ trương không chỉ đạo, can thiệp về tội danh và mức án.
 
    Mối quan hệ phối hợp giữa các ngành khối tư pháp ngày càng chặt chẽ; trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp được nâng cao; đội ngũ cán bộ tư pháp được củng cố, kiện toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác điều tra, xử lý tội phạm, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ, không để xảy ra oan sai.
 
    Bên cạnh kết quả đạt được, việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 49 ở một số nơi chưa sâu rộng; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tư pháp và cải cách tư pháp…
 
    Cũng theo báo cáo, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư ở địa phương đã có bước phát triển, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trong các quan hệ pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án chỉ định tham gia tố tụng.
 
    Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Yên Bái, Đoàn Luật sư cùng đoàn công tác của Trung ương đã trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, giải pháp, đồng thời nêu những kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 33 của Ban Bí thư tại tỉnh Yên Bái.
 
    Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Yên Bái và các cơ quan tư pháp đạt được trong những năm qua. Thay mặt đoàn công tác, đồng chí đã tiếp thu những ý kiến kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng thời thông qua cuộc khảo sát này, đề nghị tỉnh Yên Bái tiếp thu những ý kiến tham gia của đoàn công tác, đề xuất những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động tư pháp ở cơ sở và sớm hoàn thiện báo cáo để đoàn công tác tham mưu, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Chính trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cải cách tư pháp trong thời gian tới.
                                                                                                      P.V
.