Bắc Ninh: Sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính
Thứ Ba, 02/04/2019, 14:50 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức Hội nghị sơ kết nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được và chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân; đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cùng tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc và toàn thể các hòa giải viên, đối thoại viên của 06 Trung tâm hòa giải, đối thoại tỉnh Bắc Ninh.
Quang cảnh Hội nghị |
Trên cơ sở Kết luận của đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp thứ 6 ngày 15-9-2018; ngày 01-10-2018 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 301/KH- TANDTC về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân; ngày 04-10-2018 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 184/QĐ-TANDTC về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận của các Trung tâm hoà giải, đối thoại Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Từ ngày 01-11-2018 đến nay, 06 Trung tâm hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã thụ lý tổng số 466 đơn khởi kiện, đã tiến hành hòa giải, đối thoại được 415 vụ, đạt tỷ lệ 89%; trong đó hòa giải, đối thoại thành được 292 vụ, đạt tỷ lệ 70,4% (292/415 vụ, việc). Các vụ hòa giải thành đều là về tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và hôn nhân gia đình; còn lại 51 vụ đang trong thời hạn giải quyết.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh ghi nhận về những kết quả mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã đạt được khi thực hiện thí điểm mô hình hòa giải với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Với mong muốn giải quyết triệt để các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính nhằm ổn định tình hình trật tự trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh và các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án hai cấp chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ cho việc triển khai thực hiện thí điểm tại các đơn vị; từng bước nâng cao kỹ năng hòa giải, đối thoại của các hòa giải viên, đối thoại viên. Trong quá trình triển khai cần tuân thủ đúng hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao và Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm; kịp thời cập nhật khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, góp phần quan trọng và sự phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện thí điểm hiệu quả, đồng chí đề nghị lãnh đạo các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh cần dành sự quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực cho công tác này và tạo sự đồng thuận trong nhân dân để lực chọn phương thức hòa giải thông qua đối thoại. Đồng chí cũng đề nghị Ban Chỉ đạo của tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh cần chủ động, sâu sát, kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc của các Trung tâm hòa giải hai cấp; các hòa giải viên, đối thoại viên cần tăng cường nghiên cứu, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức hơn nữa để triển khai công việc thời gian tới.
Hữu Bình