Banner

Bình Thuận: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện quyết liệt, toàn diện

Thứ Năm, 03/10/2024, 04:25 [GMT+7]
    Trong 9 tháng năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt, toàn diện.
 
    Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều hình thức phù hợp tình hình thực tế; tổ chức Hội nghị quán triệt 03 Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Quy định 114-QĐ/TW, ngày 01/7/2023 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) cho hàng nghìn cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh.
 
Một Phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Thuận
Một Phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Thuận
    Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, tỉnh duy trì tổ chức các Phiên họp, Cuộc họp định kỳ theo quy định để đánh giá tình hình, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường kiểm tra, nắm tình hình ở địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi lên. Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai kiểm tra đối với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo theo Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 đề ra; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
 
    Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là công tác cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; công tác tự kiểm tra nội bộ tiếp tục triển khai thực hiện, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương. Gồm: Thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra hành chính đã triển khai 63 cuộc thanh tra, qua thanh tra phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế số tiền hơn 5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 1,2 tỷ đồng, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tổ chức, 97 cá nhân. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã triển khai 257 cuộc với 1.224 lượt tổ chức, cá nhân. Có 84 cuộc thanh tra, kiểm tra đã ban hành kết luận phát hiện 640 tổ chức, cá nhân vi phạm. Toàn tỉnh phát hiện 4 vụ/4 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong khu vực nhà nước, tăng 2 vụ nhưng giảm 10 đối tượng so cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 phát hiện 2 vụ/14 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực).
 
    Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa sâu rộng; hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phong phú, hiệu quả còn hạn chế so với yêu cầu, nhất là trong nhân dân. Công tác quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản ở một số địa phương, đơn vị chưa chặt chẽ, dễ xảy ra sai phạm. Công tác tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tiến hành thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao; kết quả tự kiểm tra nội bộ phần lớn chưa phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực…
 
    Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; trong đó chú ý việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan công an tiếp tục phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, được dư luận, xã hội quan tâm; chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt theo Chỉ thị 04-CT/TW, ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phạm vi quản lý, phụ trách.
                                                                         Nguyễn Hiên
.
.