Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Nam

Thứ Hai, 30/09/2024, 19:20 [GMT+7]
    Ngày 30/9/2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ 9 dưới sự chủ trì của đồng chí Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh để đánh giá tình hình, kết quả hoạt động Ban Chỉ đạo tỉnh 9 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2024; tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và các vấn đề quan trọng khác.  
 
    Theo báo cáo tại Phiên họp, 9 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các Kết luận phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao theo dõi, chỉ đạo xử lý và các vụ án, vụ việc được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, kể cả tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được tăng cường, nhất là kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo ngày càng đi vào nền nếp; duy trì nghiêm túc chế độ họp định kỳ của Thường trực Ban Chỉ đạo và các phiên họp của Ban Chỉ đạo. 
   
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tích cực tham mưu sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác PCTNTC, như: sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 26 và Hướng dẫn số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; Chỉ thị số 27 về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh PCTNTC; Quy định số 11 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35 đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; qua đó, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, đề ra và kiến nghị Trung ương nhiều nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC ở địa phương. Phối hợp với các ngành thành viên, tập trung tham mưu chỉ đạo xử lý các các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo; định kỳ tổ chức đánh giá về tiến độ, kết quả xử lý và có ý kiến chỉ đạo những vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc; thường xuyên rà soát, đưa các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
 
    Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, Đồng chí đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Tiến độ xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực còn chậm dophải chờ kết quả giám định, định giá tài sản.Công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng trong một số trường hợp chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế qua công tác thi hành án dân sự còn tồn đọng lớn; đa số các việc phải chuyển theo dõi riêng do người bị thi hành không có tài sản, không có nguồn thu nhập ổn định để thu hồi.Việc phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức hiệu quả chưa cao...
 
    Để thực hiện tốt hơn nữa công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị thành viên và cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục tham mưu, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,các hành vi tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong cán bộ, đảng viên;thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong các lĩnh vựcvà các kết luận, chủ trương, cơ chế chỉ đạo tại các Cuộc họp Thường trực, các Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương. 
 
    Tiếp tục tham mưu, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để PCTNTC và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất. Đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương thực hiện Quyết định số 93/QĐ-TTg, ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW, ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh”. 
 
    Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; kiên quyết chấn chỉnh, ngăn chăn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của công dân, đặc biệt là những khiếu nại, tố cáo kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chủ động nắm bắt tình hình để chỉ đạo, tham mưu xử lý kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phát sinh, nổi cộm, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai.
 
    Tiếp tục tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nhất là, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo xử lý. Chú trọng chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới, kế cả khu vực ngoài nhà nước. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản, từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, cố tình ban hành kết luận giám định, định giá tài sản không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
                                                          Mỹ Ngọc
                                            (Ban Nội chính Trung ương)
.