Kiểm toán Nhà nước: Ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực

Thứ Ba, 16/04/2024, 08:07 [GMT+7]
    Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Kế hoạch số 406/KH-KTNN về việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực năm 2024, nhằm tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong việc chỉ đạo, phổ biến và tổ chức có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực tại Phiên họp thứ 25, ngày 01/02/2024 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW, ngày 26/01/2022 của Ban Chỉ đạo và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước; từ đó tạo chuyển biến rõ rệt trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; xây dựng đội ngũ công chức, kiểm toán viên, viên chức của Kiểm toán nhà nước độc lập, khách quan, kỷ cương và liêm chính; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước.
 
Một Hội nghị của Kiểm toán Nhà nước
Một cuộc họp của Kiểm toán Nhà nước
    Theo Kế hoạch, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; cụ thể hóa các nội dung, giải pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, đảm bảo mọi hoạt động của đơn vị đều công khai, minh bạch.
 
    Kiểm toán nhà nước yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng về công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên nhà nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản của Kiểm toán nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong thi hành công vụ. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước cho phù hợp nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 
 
    Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán năm 2024 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng kiểm toán, trong đó tập trung tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2024 và Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2024-2026 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng; đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương; kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, môi trường theo Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. 
 
    Tập trung công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật, trong đó đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các quy định hiện hành của Luật Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; việc thực hiện các biện pháp về xử phạt vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong Kiểm toán nhà nước. 
 
    Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và công tác tổ chức cán bộ. Phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm soát của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động kiểm toán nói riêng và toàn bộ hoạt động của cơ quan Kiểm toán nhà nước nói chung.
 
    Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; phát hiện, biểu dương kịp thời các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và kiểm toán viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán; không bố trí tham gia đoàn kiểm toán đối với những công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Kiểm toán nhà nước nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Kiểm toán nhà nước.
                                                                                        Văn Hiếu
.