Vĩnh Phúc: Ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

Thứ Năm, 15/02/2024, 19:21 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 (Kế hoạch số 05-KH/UBND, ngày 11/01/2024). 
 
    Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm để công tác này được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...
 
    Kế hoạch cũng nêu rõ yêu cầu thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về tặng quà và nhận quà tặng, kiểm soát xung đột lợi ích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những địa bàn phát sinh nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo, được dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực. Công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
 
Hội nghị tổng kết công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc
Hội nghị tổng kết công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc
    Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, kỷ cương, liêm chính.
 
    Nội dung Kế hoạch cũng đã đề nghị các ngành Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp, tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực bảo đảm kịp thời, dứt điểm, nghiêm minh và không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
 
    Kế hoạch quy định về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng bao gồm: Thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, quy định về tặng quà và nhận quà tặng, kiểm soát xung đột lợi ích (trong đó, thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, quy định về tặng quà và nhận quà tặng; thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích); thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan,tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
 
    Kế hoạch cũng đặt ra các nội dung cụ thể về việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trong việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng; tham gia các hoạt động hợp tác Quốc tế và đối ngoại về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Bên cạnh việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng vừa ban hành Chỉ thị số 55-CT/TU nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo đó, Chỉ thị này yêu cầu, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan theo tinh thần Quy định số 114-QĐ/TW. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị chỉ đạo rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng, chặt chẽ những trường hợp đã bố trí (nếu có), báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị: Tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý khi xem xét nhân sự là người có quan hệ gia đình.
 
    Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị gương mẫu trong xem xét bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc hoặc giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác. Ban Tổ chức Tỉnh ủy được phân công thực hiện việc tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả rà soát những trường hợp bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan theo tinh thần Quy định số 114-QĐ/TW, hoàn thành trong quý I/2024.
Quỳnh Trang
.