Những danh nhân Việt Nam sinh năm Thìn

Thứ Hai, 12/02/2024, 23:19 [GMT+7]

    MẠC ĐĨNH CHI (1280-1350)

    Ông tên tự là Tiết Phu (sinh năm Canh Thìn), người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương. Ông đỗ trạng nguyên dưới thời Vua Trần Anh Tông năm 24 tuổi, nhưng do tướng mạo xấu, nên không được vua coi trọng; ông đã viết và dâng bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa Sen giếng ngọc) để tự ví mình. Vua đọc thấy hay, rồi cất nhắc lên làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia. Ông làm quan trải qua ba triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông, thăng đến Tả bộc xạ Đại liên ban. Ông đi Trung Quốc 2 lần, được các danh sỹ nước ngoài khen ngợi, khâm phục. Có một sự tích, đó là khi đi sứ nhà Nguyên, trong phủ có một bức trướng vẽ chim sẻ đậu trên cành trúc, ông tới xem thì bị mọi người cười, ông liền xé rách con chim sẻ, mọi người lấy làm lạ hỏi tại sao thì ông đáp: “Tôi nghe người xưa chỉ vẽ cây mai chim sẻ thôi, vì trúc là quân tử, sẻ là tiểu nhân, nay tể tướng lấy trúc với sẻ thêu vào bức trướng thế là lấy tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân lớn lên, đạo quân tử mòn đi, nên vì thánh triều từ bỏ” mọi người ai cũng khen là nhanh trí, người Nguyên ngày càng thêm khâm phục. Thời Trần Minh Tông ông được tin dùng hậu đãi, ông làm quan rất thanh liêm.

    CHU VĂN AN (1292-1370)

    Ông sinh năm Nhâm Thìn, là người làng Thanh Liệt, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) rồi về nhà mở trường dạy học,  đã có rất nhiều học sinh của ông thành đạt, giữ trọng trách quan trọng ở triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát. Đời vua Trần Minh Tông (1314-1329), ông được mời ra giữ chức Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám. Đời vua Trần Dụ Tông, Ông dâng sớ xin chém bảy tên gian thần (gọi là Thất trảm sớ) nhưng không được chấp nhận. Sau đó ông cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Trong thời gian về ở ẩn, Ông có những tác phẩm thơ bằng chữ Hán như “Tiều ẩn thi tập”, thơ bằng chữ Nôm như “Quốc ngữ thi tập”. Ngoài ra, ông còn soạn bộ “Tứ thư thuyết ước” gồm 10 tập trình bày những điểm cơ bản về 4 bộ sách của Nho giáo. Khi mất ông được triều đình truy tặng chức danh Văn Trinh Công, ban tên hiệu là Khanh Tiết và được thờ ở Văn Miếu. Ông là một nhà nho tiết tháo, cương trực, đấu tranh cho chính nghĩa. Một ẩn sĩ thanh cao, gương mẫu, một thi sĩ của thiên nhiên, ngoài ra ông còn được biết đến với tư cách là một thầy thuốc đông y.

    NGUYỄN HỮU DẬT (1604-1681)

    Ông sinh năm Giáp Thìn, quê gốc ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung) tỉnh Thanh Hóa. Ông làm quan, giúp chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) từ khi 18 tuổi rồi trở thành một viên tướng xuất sắc, có nhiều mưu lược. Ông đã cầm quân đi đánh họ Trịnh nhiều lần và liên tiếp giành được thắng lợi. Cùng với Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến là ba trụ cột của chúa Nguyễn Đàng Trong. Ông cũng làm trấn thủ Quảng Bình nổi tiếng là nhân hậu, dân chúng ở đây tôn ông là Phật Bồ tát, khi ông mất được tặng tước quận công và thờ ở Võ Miếu.

    TRƯƠNG ĐỊNH (1820-1864)

    Tên thường gọi Trương Công Định, sinh năm Mậu Thìn, là anh hùng kháng Pháp. Ông sinh tại Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cha ông là Trương Cầm, giữ chức lãnh binh tỉnh Gia Định. Vào thời vua Thiệu Trị ông theo cha vào Nam, lấy vợ và sinh sống tại huyện Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông). Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Nguyễn Tri Phương ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo khai hoang lập ấp . Ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm lục phẩm. Từ đó, người đương thời gọi ông là Quản Định. Ông chỉ huy nghĩa binh chống Pháp ở Nam kỳ giai đoạn 1859-1864. Không chấp nhận Hòa ước cho Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, ông được dân tôn là Bình Tây Đại nguyên soái. Ngày 20/8/1864 ông bị thương, để không sa vào tay giặc, ông đã dùng gươm tuẫn tiết.     

    NGUYỄN QUANG BÍCH (1832-1890)

    Nguyễn Quang Bích tự là Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, sinh năm Nhâm Thìn, tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1869, ông đỗ Hoàng Giáp, được bổ làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Từng giữ các chức vụ: Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám, Án sát Bình Định, rồi làm Chánh sứ Sơn Phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc Kỳ, được phong làm Lễ bộ Thượng thư, sung hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ.     

    NGUYỆN THIỆN THUẬT (1844-1926)

    Ông sinh năm Giáp Thìn, là một sĩ phu yêu nước kháng Pháp cuối thế kỷ 19; sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông đỗ Đình nguyên Tiến sỹ, làm đến chức Tán tương quân vụ tỉnh dưới triều Nguyễn. Ông làm quan thanh liêm, công minh và có tài cai trị. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, nhà Nguyễn đầu hàng, ông kháng lệnh triều đình, quyết tâm đánh Pháp. Ông tiếp quản lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ Đinh Gia Quế và phát triển cuộc khởi nghĩa từ phạm vi một vài huyện mở rộng ra liên tỉnh, liên vùng và có ảnh hưởng sâu rộng tới các cuộc khởi nghĩa cùng thời ở Bắc kỳ và cả nước. Ông là một vị tướng có tinh thần yêu nước và chiến đấu gan dạ. Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lĩnh, sỹ phu và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh quyết tâm đánh thực dân Pháp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc. 

    PHAN ĐÌNH PHÙNG (1844-1895)

    Ông tuổi Giáp Thìn, hiệu Châu Phong; là Chí sỹ, anh hùng chống Pháp, quê ở Đông Thái, La Sơn, Hà Tĩnh. Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam. 

    NGUYỄN THƯỢNG HIỀN (1868-1925)

    Ông là Chí sĩ yêu nước, tự Đình Nam, hiệu Mai Sơn; tuổi Mậu Thìn, quê Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Nội). Năm 1885, ông đỗ cử nhân khi mới 17 tuổi, thi Hội đỗ đầu, đang chờ xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ. Đến năm 1892, ông thi lại và đỗ Hoàng Giáp khi mới 24 tuổi. Tuy đỗ cao nhưng ông không ra làm quan mà về ẩn cư ở vùng núi Nưa, Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông giữ chức Toản tu Quốc sử, rồi làm Đốc học tỉnh Ninh Bình. 

    NGUYỄN PHAN CHÁNH (1892-1984)

    Ông tuổi Nhâm Thìn, là danh họa; sinh tại tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Phan Chánh là một hiện tượng xuất chúng của hội họa Việt Nam với tranh sơn mài. Những bức tranh lụa nổi tiếng của ông, là: Chơi ô ăn quan, Cô gái rửa rau trên cầu ao, Lên đồng, Bữa cơm, Những cô khâu đầm, Những người hát rong, Tiên Dung và Chử Đồng Tử…

    TRẦN PHÚ (1904-1931)

    Ông sinh năm Giáp Thìn, tại xã Tùng ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của ông là được cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1926). Năm 1927, ông học ở trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Năm 1928, dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản và tháng 4/1930, ông về nước, được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được giao soạn thảo “Luận cương Chính trị”. Luận cương chính trị của Trần Phú cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua bản “Luận cương Chính trị” xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam và bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị là Tổng Bí thư, ông đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Tên tuổi của ông gắn liền với Luận cuơng chính trị tháng 10/1930 của Đảng. Tháng 3/1931, Đồng chí chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 2 tại Sài Gòn bàn việc chấn chỉnh Đảng sau đợt khủng bố của địch. Hội nghị đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ hiện tại của Đảng, Nghị quyết về tổ chức của Đảng, Nghị quyết về cổ động tuyên truyền. Ông bị bắt khi đang làm nhiệm vụ vào tháng 4/1931 tại Sài Gòn và hy sinh vào tháng 9/1931 tại nhà thương Chợ Quán khi mới 27 tuổi. Trần Phú một người cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của Đảng. Ý chí và phẩm chất cách mạng của ông là tấm gương sáng cho những thế hệ mai sau. 

    NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (1904-1979) 

    Nguyễn Lương Bằng, bí danh Sao Đỏ, sinh năm Giáp Thìn tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông là nhà cách mạng nổi tiếng của Đảng và Nhà nước ta và được mọi người xem như người anh cả; là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; trong sáng, luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng, phụng sự Nhân dân. Trong 50 năm hoạt động cách mạng, ông đã nhiều lần bị địch bắt. Tuy bị tù đầy và tra tấn cực kỳ dã man nhưng ông vẫn kiên cường, giữ vững khí tiết người Cộng sản và bền bỉ hoạt động trong tổ chức bí mật ở nhà tù. Bằng tấm gương anh dũng, bất khuất; bằng sự giúp đỡ, dìu dắt ân cần, ông đã góp phần bồi dưỡng nhiều chiến sỹ cách mạng ở nhà tù Sơn La. Ông từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch nước, Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, Tổng Thanh tra Chính phủ. 

    ĐÀO DUY ANH (1904-1988)

    Đào Duy Anh tuổi Giáp Thìn; sinh tại Thanh Hóa; nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông là tác giả nhiều công trình học thuật sáng giá về ngôn ngữ học, văn học, sử học, trong đó giá trị nhất là cuốn “Hán-Việt từ điển.” 

    XUÂN DIỆU (1916-1985)

    Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, nhà thơ lãng mạn, trữ tình, một nhà phê bình tinh tế, một nhà lý luận văn học độc đáo. Ông sinh năm Bính Thìn, tại Bình Định (quê gốc ở Hà Tĩnh) và nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió.” Cách mạng Tháng Tám đã mở ra bước ngoặt lớn cho đời thơ Xuân Diệu. Một loạt tập thơ chan chứa tình đời, tình người ra đời như: “Trường ca” (1945), “Ngọn quốc kỳ” (1945), “Dưới sao vàng” (1949), “Riêng chung” (1960)... Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

(Tổng hợp theo tư liệu lịch sử)

.