Sự kiện năm Thìn trong lịch sử Việt Nam

Thứ Ba, 13/02/2024, 21:25 [GMT+7]

    NĂM MẬU THÌN - 248:

    Đây là năm Thìn đáng nhớ với cuộc Khởi nghĩa Bà Triệu. Bà Triệu tức nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa cùng với anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nhân dân quận Cửu Chân nổi dậy chống ách đô hộ của quân xâm lược nhà Ngô. Bà có câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”.

Cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng
Cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng (ảnh minh họa)

    NĂM MẬU THÌN - 548:

    Là năm Triệu Quang Phục xưng vương. Vua Lý Nam Đế (Lý Bí) mất, Triệu Quang Phục lên thay, xưng hiệu là Triệu Việt Vương. Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương. Đến năm Canh Ngọ (550), Triệu Việt Vương từ căn cứ Dạ Trạch xuất toàn quân giao chiến, giết được tướng giặc là Dương Sàn, thu lại kinh đô, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước, đặt tên nước là Vạn Xuân.

    NĂM MẬU THÌN - 968:

    Nước Đại Cồ Việt ra đời. Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong 12 sứ quân, xưng Đại Thắng Minh Hoàng đế (thường gọi là Đinh Tiên Hoàng), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), mở đầu triều đại nhà Đinh.

    NĂM CANH THÌN - 980: 

    Năm Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Nhà Tống đem quân xâm chiếm nước ta, Thái hậu Dương Văn Nga đã trao quyền cho Lê Hoàn tổ chức kháng chiến. Các tướng lĩnh, đứng đầu là Phạm Cự Lạng tôn Lê Hoàn lên làm vua. Dương Thái Hậu thấy mọi người ủng hộ đã trao ngôi vua cho ông. Lê Hoàn lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống thắng lợi vào năm 981. Đại thắng năm Tân Tị (981) mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng phong kiến phương Bắc.

    NĂM BÍNH THÌN - 1076:

    Mở cuộc kháng chiến chống quân Tống, ra đời bản “Tuyên ngôn độc lập lần thứ 1” Nhà Tống đem 10 vạn bộ binh, 1 vạn ngựa, 20 vạn dân phu sang xâm lược nước ta. Dưới sự chỉ huy đầy mưu trí của Lý Thường Kiệt, quân dân ta đã chiến đấu anh dũng, đánh tan quân xâm lược. Chủ động phá tan ý đồ xâm lược của triều đình phong kiến phương Bắc, ngày 01/3/1076 Lý Thường Kiệt đã hoàn thành thắng lợi cuộc tập kích đánh chiếm thành Ung Châu. Trong lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, Lý Thường Kiệt đã làm một bài thơ bất hủ, cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Bài thơ khẳng định quyền độc lập tự chủ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, cảnh cáo nghiêm khắc mọi kẻ thù xâm lược và nói lên quyết tâm sắt đá của dân tộc ta trong việc bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

    NĂM CANH THÌN - 1400:

    Triều Trần suy yếu, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần (Trần Thiếu Đế), lên làm vua, lập triều đại mới: Nhà Hồ , lấy quốc hiệu là Đại Ngu (1400-1407). Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và Triều Hồ, Quý Ly từng bước tiến hành những cải cách rộng lớn về mọi mặt.

    NĂM CANH THÌN - 1460:

    Vua Lê Thánh Tông ra quyết sách quan trọng: 1. Ai có nhiều thóc tình nguyện đem nộp cho Nhà nước thì tùy theo số thóc nộp lên mà được thưởng phẩm tước. Đây là khởi nguyên của công trái quốc gia. 2. Định ra lệ mỗi tháng ba lần phải xét việc kiện tụng và trình lên trên để ra quyết định.

    NĂM GIÁP THÌN - 1484:

    Vua Lê Thánh Tông xuống ba chiếu: 1. Cấm mua bán ức hiếp (ép giá). 2. Nếu không phải dịp tế lễ, cưới xin, ma chay mà vô cớ tụ họp ăn uống thì phải trị tội theo pháp luật. 3. Cấm quan viên trong triều và các địa phương nhận tiền đút lót của dân. Nhà vua còn cho lập bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu (Thăng Long) để khắc ghi tên tuổi các vị đỗ tiến sĩ từ khoa Đại Bảo thứ ba đến 1484. Từ đó về sau, Văn Miếu tiếp tục được dựng bia tiến sĩ.

    NĂM GIÁP THÌN - 1784:

    Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của quân Tây Sơn, đánh tan quân Xiêm xâm lược. Kiếm cớ Nguyễn Ánh cầu viện, tháng 4/1784, vua Xiêm cho một đạo quân 5 vạn thủy bộ vào nước ta. Chỉ trong thời gian ngắn, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Huệ, đã tiêu diệt gọn 5 vạn quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng vẻ vang này đã kết thúc giai đoạn chiến đấu đánh đổ chúa Nguyễn, đặt toàn bộ lãnh thổ đàng trong dưới quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Nghệ thuật quân sự Nguyễn Huệ trong chiến dịch này đã đưa lên một trình độ mới về tác chiến hợp đồng nhiều binh chủng, hợp đồng thủy bộ; đặc biệt, Nguyễn Huệ đã đưa thủy quân lên một địa vị cao.

    NĂM CANH THÌN - 1940: 

    * Khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ. Nhận thấy sự tan rã của chính quyền thực dân sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, quân Pháp thất bại và đầu hàng, Đảng bộ Bắc Sơn đã phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, tấn công các đồn bốt và các đơn vị lính Pháp đang rút chạy, cướp vũ khí, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 27/9/1940, hơn 600 quân khởi nghĩa đã tấn công đồn Mỏ Nhài (châu lỵ Bắc Sơn). Mặc dù cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại nhưng đã để lại những bài học quý về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền; đã đặt nền móng cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng với những lực lượng vũ trang đầu tiên mà sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân.

    * Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1940 họp tại Đình Bảng, Bắc Ninh do đồng chí Trường Chinh, Quyền Tổng Bí thư chủ trì, quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vì điều kiện chưa chín muồi, nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã đến các địa phương, không hoãn được nữa. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra từ giữa đêm 22 rạng ngày 02/11 cho đến ngày 31/12/1940. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô rộng lớn và mạnh mẽ nhất kể từ lúc giặc Pháp xâm lược nước ta năm 1858 đến năm 1940. Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã đi vào lịch sử với nhiều địa danh, những tên tuổi anh hùng và lần đầu tiên xuất hiện cờ đỏ sao vàng năm cánh (trước trụ sở của Ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho tại đình Long Hưng ở Chợ Lớn và một số tỉnh khác) cũng như lần đầu tiên trong tài liệu, truyền đơn xuất hiện tên gọi “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.”

    NĂM GIÁP THÌN - 1964:

    Ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt, kêu gọi toàn dân Việt Nam đoàn kết chống xâm lược. ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ gây ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đã trực tiếp ra lệnh cho máy bay Mỹ tiến công bắn phá nhiều đợt xuống vùng phụ cận Vinh - Bến Thủy, cửa Lạch Trường (Thanh Hóa) và cửa sông Gianh (Quảng Bình). Quân và dân ta đã kiên quyết chiến đấu, đánh thắng không quân Mỹ. Từ đó, ngày 5/8 trở thành Ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam.

    NĂM BÍNH THÌN - 1976: 

    Từ ngày 15-21/11/1975, tại Sài Gòn - Gia Định diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị bàn vấn đề thống nhất Việt Nam về mặt nhà nước. Hội nghị Hiệp thương chính trị đã quyết định Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước. Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất đã được tiến hành trong cả nước. Tháng 6/1976, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội quyết định đặt tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tháng 12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Lao động Việt Nam quyết định đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ban Biên tập tổng hợp

 

.