Hưng Yên: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:46 [GMT+7]
    Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiến hành phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, quan trọng, cấp bách trong lãnh đạo, chỉ đạo, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên.
 
    Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị qayết Trung ương 3 (khóa X) "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các Chương trình, kế hoạch, Công văn để chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện.
 
Các đại biểu dự Hội nghị của Tỉnh ủy Hưng Yên
Các đại biểu dự Hội nghị của Tỉnh ủy Hưng Yên
    UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng được gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
 
    Cấp ủy, chính quyền các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo và phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời xử lý nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, phụ trách, quản lý; kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ vi phạm, không đủ phẩm chất đạo đức có dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan đơn vị.
 
    Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát, trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm ta các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm đúng quy trình, quy định, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực; tăng cường quản lý giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; đối với những cá nhân vi phạm, có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; duy trì đường dây nóng của Tỉnh ủy tiếp nhận phản ánh về tình trạng tham nhũng vặt, thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân theo Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị.
                                                                                                Mai Loan
.