Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng

Thứ Sáu, 25/12/2020, 08:15 [GMT+7]
    Năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, đây là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức đi vào hoạt động và sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
 
    Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011- 2020, Bộ Nội vụ triển khai đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2019) nhằm đánh giá khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công ở các địa phương trong cả nước. Kết quả SIPAS 2019 cho thấy năm 2019 có 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Số người hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 tăng gần 1,5% so với năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về 5 yếu tố được đánh giá của quá trình, kết quả cung ứng dịch vụ công của cơ quan HCNN ở địa phương trong năm 2019 không đồng đều, nằm trong khoảng 73,66- 88,56%. 
 
Thực hiện cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
Thực hiện cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
    Bộ Nội vụ đã tiến hành 19 cuộc thanh tra, kiểm tra/19 đơn vị trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện những vi pham: (1) Việc giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp làm việc của công chức; trưng tập viên chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; sử dụng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; công tác tinh giản biên chế không đạt tỷ lệ theo kế hoạch đặt ra; (2) Về việc tuyển dụng công chức, viên chức: thông báo không được công khai, quy định bằng cấp chuyên môn không phù hợp; thiếu sót, sai phạm trong việc thành lập Hội đồng tuyển dụng, các ban giúp việc…, không đảm bảo trình tự, thủ tục; (3) Bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh và trình tự, thủ tục, thời hạn bổ nhiệm… (4) Hình thức của quy chế thi đua khen thưởng chưa phù hợp với Luật thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; một số quy chế khen thưởng có chứa đựng quy phạm pháp luật nhưng được ban hành dưới dạng văn bản hành chính.
 
    Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 69,1 triệu món và đạt 49,91 triệu tỷ đồng, giảm 9,52% về số lượng, tăng 14,88% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ, trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 497,7 triệu món và đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch thanh toán qua thẻ đạt 171,1 triệu giao dịch so với giá trị đạt 399,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20,9% về số lượng và tăng 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 200,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 12,9 triệu tỷ đồng (giảm 1,9% về số lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 472,2 triệu giao dịch với giá trị đạt 4,9 triệu tỷ đồng (tăng 178% về số lượng và 177,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

    Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Tình đến nay Hệ thống TTĐTLNH đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh; số ngân hàng phối hợp với thu với Tổng cục Hải quan là 43 trong đó có 30 ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 95% tổng thu ngân sách của Tổng cục Hải quan. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ Hệ thống TTĐTLNH liên tục được tăng cường, mở rộng, đến cuối tháng 6/2020, toàn quốc có 19.571 ATM trải rộng khắp cả nước, 266.038 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích... Bên cạnh, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trung gian thanh toán thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tính đến nay, trong số gần 105.000 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên toàn quốc đã có khoảng 89.000 đơn vị đã trả lương qua tài khoản (đạt 89%); số cán bộ hưởng lương ngân sách nhà nước đã nhận lương qua tài khoản gần 2,8 triệu người (tương đương 83%).
                                                                                      Mạnh Hùng
.