GRECO kêu gọi Chính phủ Đức minh bạch hơn

Thứ Sáu, 25/12/2020, 07:02 [GMT+7]
    Trong báo cáo đánh giá lần thứ 5 về Đức, GRECO cho biết, với Chỉ thị Chống tham nhũng (và các quy định bổ sung của nó, chẳng hạn như Quy tắc Ứng xử chống tham nhũng), Đức đã có một khuôn khổ chống tham nhũng vững chắc. Tuy nhiên, vì khuôn khổ này tập trung vào toàn bộ cơ quan hành chính liên bang, nên các quy định và chính sách hiện hành cần được bổ sung để nhắm mục tiêu tốt hơn vào các vấn đề liêm chính cụ thể mà những người có chức năng hành pháp cao nhất phải đối mặt.
 
    Mặc dù báo cáo ghi nhận những nỗ lực quan trọng đã được Đức thực hiện để cải thiện tính minh bạch thông qua “Thỏa thuận tăng tính minh bạch của quy trình lập pháp năm 2018”, nhưng điều này cần được tăng cường hơn nữa.
 
Thủ đô Berlin của nước Đức
Thủ đô Berlin của nước Đức
    Báo cáo đánh giá tập trung vào việc ngăn ngừa tham nhũng và thúc đẩy sự liêm chính trong các chính quyền Trung ương (cơ quan hành pháp cao nhất) và trong các cơ quan thực thi pháp luật của Đức, cho thấy “sự tập trung ngày càng tăng trên các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây” về mối quan hệ chặt chẽ giữa những người có chức năng điều hành cao nhất và các doanh nghiệp.
 
    Bên cạnh đó, cũng thấy được “sự thiếu minh bạch về tác động của ảnh hưởng bên ngoài” đối với chương trình nghị sự của Chính phủ liên bang, bao gồm cả việc vận động hành lang của những người trước đây đảm nhiệm các chức năng hành pháp hàng đầu trong Chính phủ.
 
    Để giải quyết những lo ngại này, GRECO kêu gọi Đức thông qua các quy tắc nhằm đảm bảo rằng, công khai thông tin đầy đủ về tương tác của những người có chức năng hành pháp hàng đầu với các nhà vận động hành lang và các bên thứ ba khác đang tìm cách tác động đến lập pháp và hoạt động khác của Chính phủ, ghi nhận “sự ủng hộ của công chúng đối với công tác điều chỉnh và minh bạch hơn về vận động hành lang”.
 
    Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra các điều khoản và hướng dẫn rõ ràng cho các bộ trưởng liên bang và các thư ký Quốc hội về việc ngăn ngừa xung đột lợi ích. Những người có chức năng điều hành cao nhất phải tiết lộ xung đột giữa lợi ích cá nhân và chức năng chính thức của họ một cách đột xuất, đồng thời phải tiết lộ lợi ích tài chính của họ. Hiện, những quy định này chưa tồn tại.
                                                                                        Đức Anh
 
.