Kiểm toán nhà nước: Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 19/07/2019, 20:13 [GMT+7]
    Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, cao nhất trong 25 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 160 văn bản pháp luật; chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 146 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
 
    Sáu tháng đầu năm 2019, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 37.513,4 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước là 19.105,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 31 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
 
Hội nghị triển khai công tác những tháng cuối năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước
Hội nghị triển khai công tác những tháng cuối năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước
    Qua kiểm toán cho thấy, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng còn bất cập, sai sót, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 1.678 tỷ đồng; hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến; nhiều dự án điều chỉnh quy mô trái thẩm quyền, sai khối lượng, đơn giá... Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.
 
    Kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn... Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 334 tỷ đồng.
 
    Qua kiểm toán các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 10.896 tỷ đồng; kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm và bất cập chính sách quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng; kiến nghị xem xét thu hồi hơn 7.500.000 m2 đất tại các địa phương được kiểm toán.
 
    Công tác phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua luôn được chú trọng và tăng cường. Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức đảng, đoàn thể thuộc Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Kiểm toán Nhà nước...
                                                                                Thùy Linh
.