Hòa Bình: Một số kết quả nổi bật về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020

Thứ Hai, 14/09/2020, 07:40 [GMT+7]
    Nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp; đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trên toàn tỉnh thực hiện tốt công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, nổi bật như các chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương hằng năm; chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những kiến nghị, phản ánh của dân; Quy định phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các huyện ủy, thành ủy trong công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06 -CTr/TU, ngày 21/6/2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 về công tác quốc phòng - an ninh, nội chính và phòng, chống tham nhũng; Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 23/01/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; các kế hoạch rà soát thanh tra kinh tế-xã hội hằng năm; các kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố điều tra, truy tố xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế….; lãnh đạo tổ chức tổng kết, sơ kết các chỉ thị, nghị quyết về nội chính, cải cách tư pháp, như tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị về "sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng"; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020"; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW  của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; lãnh đạo các cơ quan chủ động nắm tình hình, thông tin dư luận xã hội liên quan đến công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp để kịp thời có phương án tham mưu, đề xuất, đồng thời lãnh đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, chính trị nội bộ, quốc phòng địa phương; lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Công tác thanh tra kinh tế-xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng được triển khai thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, góp phần giữ vững kỷ cương, ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
 
    Về công tác kiểm tra giám sát, định kỳ hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo 30 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp (trong đó có 14 cuộc do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì, 16 cuộc do Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì). Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, trong đó đã chỉ đạo xử lý xong 14 vụ việc/15 vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, có 10/14 vụ việc đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo; thực hiện tốt công tác kiểm tra theo Kế hoạch 165-KH/BCĐTW, ngày 11/6/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW, ngày 04/9/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã đánh giá kết quả đạt được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các đối tượng được kiểm tra, giám sát, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả hơn. 
 
    Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được quan tâm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện về công tác phòng, chống tham nhũng, như Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 12/5/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công; Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 08/02/2016 về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 14/3/2017 thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Kế hoạch số 83-KH/TU, ngày 25/4/2017 triển khai thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN; Kế hoạch số 191-KH/TU, ngày 14/02/2019 về kiểm tra việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kế hoạch số 200-KH/TU, ngày 22/3/2019 thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác số 01, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại tỉnh Hòa Bình tháng 9/2018; Kế hoạch số 201-KH/TU, ngày 27/3/2019 triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực…; kịp thời phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu trong các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được quan tâm. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ban hành 793 văn bản thuộc thẩm quyền để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; tiến hành 513 cuộc kiểm tra, giám sát đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức 3.069 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng với 225.420 lượt người tham gia; phát hành 513 cuốn sách, tài liệu có nội dung tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng đồng thời đăng tải nhiều tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thông tin, tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng, chống tham nhũng qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.616 cán bộ, công chức, viên chức; có 51.193 lượt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc công khai, kê khai tài sản thu nhập đảm bảo đúng quy định, đến nay không có người bị xử lý vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; xem xét, xử lý 15 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (trong đó có 06 người bị xử lý hình sự, 09 người bị xử lý kỷ luật).Qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện và chuyển 01 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sang Cơ quan điều tra xử lý. Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện thường xuyên, đã tiến hành 1.509 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm hơn 43 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra các cấp 02 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; tiếp nhận, phân loại và xử lý 6.378 lượt đơn, thư các loại, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thời gian qua đã được Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Hòa Bình thực hiện đảm bảo đúng quy định, đã thực hành quyền công tố và kiểm sát 4.793/4.793 tin báo, tố giác tội phạm; các cơ quan tố tụng đã thụ lý 21 vụ/51 bị can, số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là 19,9 tỷ đồng, đã thu hồi được 12,6 tỷ (đạt 63,3%).
 
    Kết quả trên cho thấy dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang đồng lòng, đoàn kết nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
                                                                                Võ Mai
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hòa Bình)
 
.