Kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Thứ Năm, 09/07/2015, 14:39 [GMT+7]
(BNCTW) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra từ ngày 20-5 đến ngày 26-6-2015 tại Hà Nội trong không khí đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, trách nhiệm cao đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, mang đến cho đồng bào, cử tri cả nước niềm tin, hy vọng mới.
Về công tác lập pháp
Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, xem xét, thông qua 11 luật, 09 nghị quyết: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật thú y; Luật an toàn, vệ sinh lao động Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Việc thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, tạo cở sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; tiếp tục đổi mới công tác bầu cử, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ tới; khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước. Việc thông qua dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đồng thời, góp phần xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường tính chủ động và đề cao vai trò của Chính phủ trong đề xuất, xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương phù hợp với nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi phân cấp, phân quyền; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát huy dân chủ, tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bảo đảm sự đồng bộ với các nội dung liên quan của các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Việc ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động là thể theo nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nếu yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Quốc hội cũng cho ý kiến về 15 dự án luật khác nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hoá Hiến pháp: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu dân ý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam; Luật khí tượng thủy văn. Các dự thảo luật Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhằm thể chế hoá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp theo tinh thần Hiến pháp mới và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đổi mới quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; cụ thể hóa các quyền hiến định của con người, của công dân; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII |
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước
Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, tập trung đánh giá mặt được, chưa được trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp; tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, những thuận lợi, khó khăn… Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015.
Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành nền kinh tế có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống các chỉ tiêu năm 2014 có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra, nhiều chỉ tiêu còn đạt cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Tái cơ cấu nền kinh tế đạt được một số kết quả nhất định. Các chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng tích cực, cán cân thanh toán thặng dư; dự trữ ngoại hối cao nhất trong những năm trở lại đây. Thu ngân sách đạt khá. Chất lượng giáo dục, y tế được cải thiện; đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả. Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước tập trung triển khai nhiệm vụ năm 2015 với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và đẩy mạnh cải cách, đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tăng trưởng cải thiện so với nhiều năm trước, tạo nền tảng cho việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Quốc hội đặt ra cho năm 2015 và chặng đường phát triển tiếp theo của đất nước… Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa được cải thiện; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh; sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giảm liên tiếp trong nhiều năm qua ảnh hưởng đến đời sống nông dân; nguồn thu ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc; chi tiêu công chứa đựng nhiều rủi ro; mức bội chi ngân sách tăng; chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh-quốc phòng chưa đạt hiệu quả cao, nhiều chính sách đã ban hành chậm thực hiện; công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế…
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.084.064 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.277.710 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội xác định đây là Dự án quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và tinh thần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của Chính phủ, đồng thời tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương. Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam, khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước. Sau khi xem xét, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư và hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án.
Về công tác nhân sự
Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện thẩm quyền này theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội).
Về giám sát tối cao
Quốc hội xem xét: báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của các cơ quan của Quốc hội; các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác dân nguyện, tiếp công dân; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo về kết quả tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) và Báo cáo về tình hình Biển Đông.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị dự thảo Báo cáo và cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của Báo cáo. Đồng thời, ghi nhận sự cố gắng, tích cực của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; về cơ bản đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn để xảy ra những trường hợp oan, sai, có một số vụ rất nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. So với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì việc phòng, chống oan, sai còn hạn chế, bất cập. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan có biện pháp bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và quyền tranh tụng trong xét xử; khi đã xác định được việc oan, sai thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật; hằng năm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Trong đó, ngoài những nội dung giám sát tối cao theo quy định, trong năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội đã tiến hành tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, đã có 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 157 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã lựa chọn các thành viên Chính phủ và các nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở những vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Với thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp 4 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi phải sớm có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết. Các vị đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp tích cực để khắc phục. Các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào nội dung được hỏi, không né tránh những vấn đề phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm cá nhân, đề xuất giải pháp và thể hiện sự quyết tâm thực hiện để làm chuyển biến tình hình. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Nguyễn Uyên Minh
;