Một số nội dung cơ bản của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Thứ Năm, 18/06/2015, 16:28 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 09-3-2015, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và để phù hợp với tình hình mới. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01-01-2016, gồm 8 chương, 41 điều (tăng thêm 4 chương, 23 điều) và được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành, quy định về quyền, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước, Nhân dân và các tổ chức; điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về tổ chức:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức ở Trung ương và các đơn vị hành chính. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở Trung ương có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định (Điều 6).

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII

Về quyền, trách nhiệm, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

1. Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thông qua việc tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đoàn kết, hợp tác với các tổ chức hợp pháp của Nhân dân; Phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo để thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Kết nạp, phát triển thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thông qua các hoạt động khác liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 12, 13).

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với cơ quan nhà nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc đề xuất, tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ trì, phối hợp, tham gia tổ chức các hoạt động liên quan đến quyền và trách nhiệm của tổ chức mình; tham gia đối thoại, hòa giải, xây dựng cộng đồng tự quản tại địa bàn khu dân cư; tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; đề xuất, tham gia thực hiện các chương trình, phong trào, cuộc vận động góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các hoạt động: Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc; các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, động viên hội viên, đoàn viên và Nhân dân tham gia thực hiện; tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương; tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước liên quan đến quyền và trách nhiệm của tổ chức mình; tổ chức các hình thức thích hợp nhằm huy động và phát huy vai trò nòng cốt của thành viên cá nhân trong các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia với chính quyền tổ chức vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước ở khu dân cư; chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở (Điều 17).

3. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân bằng các hình thức phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Tiếp công dân, tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc xá. Cụ thể:

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân địa phương gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để thông báo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp về những vấn đề của địa phương. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quyền và trách nhiệm của mình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của thành viên và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới để phản ánh, kiến nghị với các cơ quan của Đảng, Nhà nước cùng cấp.

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng dân nhân cấp tỉnh; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch  quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.     

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc tiếp công dân; tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc xá theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác xây dựng Đảng, Nhà nước thông qua tham gia công tác bầu cử, tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, giới thiệu Hội thẩm nhân dân, cử bào chữa viên nhân dân, xây dựng pháp luật, tham dự các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí và góp ý, kiến nghị với Nhà nước. Cụ thể:

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức Hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử.

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đại diện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp theo quy định của pháp luật.  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp huyện trở lên có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự các kỳ họp của Quốc hội; được mời tham dự các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân; được mời tham dự các phiên họp của Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân địa phương; đề xuất, kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân những vấn đề cần thiết.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí, xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí; kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ, hình thức khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, kiến nghị; tiếp thu và phản hồi về góp ý, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện giám sát:

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hình thức giám sát bằng việc nghiên cứu, xem xét các văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia hoạt động giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Trong hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền, trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát; quyết định thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát theo kế hoạch hoặc khi cần thiết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; xem xét những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát; khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị sau giám sát; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân khi phát hiện có hành vi gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; ban hành hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan ban hành văn bản về kết quả giám sát; chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật; khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong hoạt động giám sát.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản theo nội dung giám sát; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo bổ sung, làm rõ những vấn đề liên quan; trình bày ý kiến về các nội dung liên quan thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát; xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Định kỳ 6 tháng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo kết quả giám sát; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét kiến nghị và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện và cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho hoạt động giám sát theo yêu cầu; khi cần thiết cử người tham gia giám sát về những nội dung có liên quan; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát; xem xét, giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.  

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có quyền đề nghị bãi nhiệm đối với đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương có quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân theo quy định của pháp luật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương có quyền kiến nghị với Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo quy định của pháp luật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân trước kỳ họp.

6. Phản biện xã hội:

Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là dự thảo văn bản) của cơ quan nhà nước. Đối tượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nội dung phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm sự cần thiết; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của dự thảo văn bản; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức.

Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc theo quy định  pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì phản biện xã hội đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình. Các tổ chức thành viên khác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.

Hình thức phản biện xã hội bao gồm: 1) Tổ chức hội nghị phản biện xã hội. 2) Gửi văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội. 3) Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện xã hội.

Các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện có trách nhiệm: Gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chậm nhất là mười lăm ngày trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết; cử người có trách nhiệm tham dự hội nghị phản biện xã hội hoặc tham gia đối thoại khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có yêu cầu; trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản biện xã hội đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trường hợp không tiếp thu kiến nghị thì phải giải trình, báo cáo ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

                                                                         Nguyễn Uyên Minh

;
.