Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư

Thứ Bảy, 25/04/2015, 14:51 [GMT+7]

 (BNCTW) - Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (Basic Principles on the Role of Lawyers) được thông qua tại Hội nghị lần thứ tám về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên hợp quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27-8 đến 7-9-1990.

Đây là những nguyên tắc rất hữu ích cho Việt Nam tham khảo trong tiến trình sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong bảo đảm hơn nữa vai trò của luật sư, việc thực hiện và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, các dân tộc trên thế giới khẳng định quyết tâm xây dựng những điều kiện để duy trì công lý và tuyên bố một trong những mục đích của họ là thực hiện hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người mà không có sự phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Đồng thời, Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền coi trọng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, quyền giả định vô tội, quyền được một tòa án độc lập và vô tư xét xử công bằng, công khai và mọi bảo đảm cần thiết để mọi công dân đều có quyền bào chữa khi bị cáo buộc phạm tội hình sự. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tuyên bố quyền được xét xử không chậm trễ và quyền được một tòa án có thẩm quyền, độc lập và vô tư, lập ra theo pháp luật xét xử công bằng và công khai; và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhắc nhở nghĩa vụ của các quốc gia theo Hiến chương là thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và tự do cơ bản của con người trên toàn thế giới.

Những nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư dưới đây, được xây dựng nhằm hỗ trợ các Quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy và bảo đảm vai trò đúng đắn của luật sư, cần được các chính phủ tôn trọng và tham khảo trong khuôn khổ pháp luật và thực tiễn quốc gia và cần được thông báo cho luật sư cũng như những người khác như thẩm phán, công tố viên, thành viên của các cơ quan hành pháp, lập pháp và công chúng nói chung. Những nguyên tắc này cũng cần được áp dụng một cách thích hợp đối với những người thực hiện các chức năng của luật sư nhưng chưa được hưởng quy chế chính thức của luật sư.

TIẾP CẬN LUẬT SƯ VÀ DỊCH VỤ PHÁP LÝ

1. Mọi công dân đều có quyền yêu cầu giúp đỡ từ luật sư theo sự lựa chọn của mình nhằm thiết lập và bảo vệ các quyền của bản thân trong mọi giai đoạn của tố tụng hình sự.

2. Các chính phủ phải bảo đảm những thủ tục hữu hiệu và các cơ chế phản ứng nhanh để việc tiếp cận luật sư có hiệu quả và bình đẳng cho mọi công dân trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán của mình mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, như phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần kinh tế và những điều kiện khác.

Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 2014-2019
Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 2014-2019

3. Các chính phủ cần bảo đảm cung cấp đầy đủ kinh phí và những nguồn lực khác cho các dịch vụ pháp lý dành cho người nghèo và nếu cần thiết cho những người bị thiệt thòi khác. Các hiệp hội chuyên môn của luật sư phải phối hợp trong việc tổ chức cung cấp những dịch vụ, phương tiện và các nguồn lực khác.

4. Các chính phủ và hiệp hội chuyên môn của luật sư phải thúc đẩy những chương trình nhằm thông báo cho công chúng biết về những quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật và vai trò quan trọng của luật sư trong việc bảo vệ các tự do cơ bản của họ. Cần phải chú ý đặc biệt hơn trong việc giúp đỡ người nghèo và những người bị thiệt thòi khác, để họ có thể khẳng định các quyền của họ và kêu gọi sự giúp đỡ của luật sư khi cần thiết.

BIỆN PHÁP BẢO VỆ ĐẶC BIỆT TRONG CÁC VẤN ĐỀ TƯ PHÁP HÌNH SỰ

5. Các chính phủ phải bảo đảm rằng, mọi công dân đều được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo ngay lập tức về quyền được một luật sư trợ giúp theo sự lựa chọn của họ, ngay khi bị bắt hay bị giam giữ hoặc khi bị cáo buộc phạm tội hình sự.

6. Bất cứ ai trong hoàn cảnh trên mà không có luật sư riêng, thì trong mọi trường hợp yêu cầu phải có tư pháp, đều có quyền có một luật sư có kinh nghiệm và năng lực phù hợp với tính chất của tội phạm đã quy kết cho họ để hỗ trợ pháp lý một cách hiệu quả hoặc miễn phí nếu họ không có đủ khả năng chi trả những dịch vụ này.

7. Các chính phủ còn phải bảo đảm rằng, tất cả những người bị bắt hay bị giam, dù có bị cáo buộc phạm tội hình sự hay không, đều phải được nhanh chóng tiếp cận luật sư và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không chậm quá 48 giờ kể từ khi bị bắt hay bị giam.

8. Tất cả những người bị bắt, giam hay cầm tù phải được tạo cơ hội, thời gian và phương tiện đầy đủ để luật sư đến thăm, và được trao đổi hay tư vấn hoàn toàn riêng với luật sư không chậm trễ, không bị theo dõi hay kiểm duyệt. Những cuộc tiếp xúc hay tư vấn như vậy, có thể được tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe của các nhân viên thi hành luật pháp.

CÁC TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN VÀ ĐÀO TẠO

9. Các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật sư và các cơ sở giáo dục phải bảo đảm rằng luật sư được giáo dục và đào tạo thích hợp, có ý thức về lý tưởng và nhiệm vụ mang tính đạo đức của người luật sư, về các quyền con người và những quyền tự do cơ bản được pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế công nhận.

 10. Các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật sư và các cơ sở giáo dục phải bảo đảm rằng, không có sự phân biệt đối xử đối với một người trong việc tham gia vào hay tiếp tục hành nghề luật sư vì lý do chủng tộc, màu da, giới tính, nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, ngoại trừ yêu cầu luật sư phải là công dân của một quốc gia có liên quan không bị coi là phân biệt đối xử.

11. Ở những quốc gia có các nhóm, cộng đồng hay khu vực mà dịch vụ pháp lý không đáp ứng được nhu cầu của họ, đặc biệt ở những nơi mà các nhóm người này có nền tảng văn hóa, truyền thống hay ngôn ngữ khác biệt hay đã là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử trước đây, thì các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật sư và các cơ sở giáo dục cần có các biện pháp đặc biệt để tạo cơ hội cho các ứng viên của những nhóm này tham gia vào nghề luật và cần đảm bảo rằng họ được đào tạo phù hợp với những nhu cầu của nhóm họ.

CÁC NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM

12. Với tư cách là thành tố quan trọng trong thực hành tư pháp, luật sư phải luôn luôn gìn giữ danh dự và phẩm giá trong nghề nghiệp của họ.

13. Nhiệm vụ của luật sư đối với khách hàng của họ:

a. Tư vấn cho khách hàng về những quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ, về cơ chế làm việc của hệ thống pháp luật trong chừng mực có liên quan đến quyền và trách nhiệm pháp lý của khách hàng;

b. Giúp đỡ khách hàng bằng mọi hình thức thích hợp và tiến hành các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của họ;

c. Giúp đỡ khách hàng trước tòa án hay các cơ quan hành chính khi thích hợp.

14. Trong khi bảo vệ các quyền của khách hàng và thúc đẩy sự nghiệp vì công lý, luật sư phải tìm cách đề cao các quyền và các tự do cơ bản của con người được pháp luật quốc gia và quốc tế công nhận. Luật sư luôn luôn phải hành động tự do, cần mẫn phù hợp với pháp luật và những tiêu chuẩn đạo đức đã được công nhận của nghề luật.

15. Luật sư phải luôn tôn trọng một cách trung thành quyền lợi khách hàng của mình.

NHỮNG BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG CHỨC NĂNG CỦA LUẬT SƯ

16. Các chính phủ phải bảo đảm rằng luật sư:

a. Có khả năng thực hiện tất cả các chức năng chuyên môn mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rầy hoặc can thiệp trái phép;

b. Có thể đi lại, tiếp xúc, tư vấn với khách hàng một cách tự do cả trong nước và ngoài nước;

c. Không bị truy tố, hoặc bị đe dọa truy tố hay chịu bất kỳ chế tài hành chính, kinh tế hoặc chế tài khác về bất cứ hành động nào được thực hiện phù hợp với những nhiệm vụ, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận.

 17. Khi an ninh của luật sư bị đe dọa do thực hiện các chức năng của họ, họ phải được các cơ quan chức năng bảo vệ một cách đầy đủ.

18. Không được đánh đồng luật sư với khách hàng của họ hay những công việc của khách hàng do thực hiện các chức năng của luật sư.

19. Mọi tòa án hay cơ quan hành chính mà ở đó quyền có luật sư bào chữa đã được công nhận đều không được phép phủ nhận quyền của luật sư được xuất hiện trước tòa hay cơ quan hành chính để bảo vệ khách hàng của mình, trừ khi luật sư đó không đủ tiêu chuẩn theo pháp luật và thực tiễn quốc gia và căn cứ vào những nguyên tắc này.

20. Luật sư phải được quyền miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những phát ngôn thiện chí trong lời bào chữa miệng hay bằng văn bản hay đối với sự xuất hiện nghề nghiệp của họ trước tòa hay trước cơ quan pháp luật hoặc cơ quan hành chính.

21. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền chính là bảo đảm tạo điều kiện cho luật sư được tiếp cận những thông tin, hồ sơ và tài liệu thích hợp mà họ sở hữu hay có quyền kiểm soát trong khoảng thời gian đủ để luật sư có thể hỗ trợ khách hàng về pháp lý một cách có hiệu quả. Luật sư phải được tạo điều kiện tiếp cận như vậy vào thời điểm thuận lợi nhất.

22. Các chính phủ cần công nhận và tôn trọng rằng, tất cả các trao đổi và tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong mối quan hệ nghề nghiệp của họ đều được giữ bí mật.

QUYỀN TỰ DO BIỂU ĐẠT VÀ GIAO KẾT

23. Cũng như những công dân khác, luật sư được hưởng quyền tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao và hội họp. Đặc biệt, họ phải có quyền tham gia các cuộc thảo luận công khai có liên quan đến pháp luật, trật tự tư pháp, việc tăng cường và bảo vệ quyền con người, quyền gia nhập hay thành lập các tổ chức địa phương, quốc gia hay quốc tế và tham dự những cuộc họp của những tổ chức ấy, mà không phải chịu một sự bất lợi nào về nghề nghiệp vì hoạt động hợp pháp của họ hay vì họ là thành viên của một tổ chức hợp pháp. Trong việc thực hiện các quyền này, luật sư phải luôn luôn xử sự theo pháp luật và những tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận.

HIỆP HỘI CHUYÊN MÔN CỦA LUẬT SƯ

24. Luật sư có quyền lập và tham gia các hiệp hội chuyên môn tự quản để đại diện cho quyền lợi của họ, thúc đẩy việc giáo dục, đào tạo thường xuyên của họ và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp của họ. Cơ quan chấp hành của các hiệp hội chuyên môn này phải do những thành viên bầu ra và thực hiện các chức năng mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

25. Những hiệp hội chuyên môn của luật sư phải hợp tác với chính phủ để đảm bảo rằng, mọi công dân đều được tiếp cận các dịch vụ pháp lý một cách bình đẳng và có hiệu quả, và rằng luật sư có thể bào chữa và hỗ trợ khách hàng theo đúng pháp luật và những tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận mà không có sự can thiệp trái phép.

CÁC THỦ TỤC KỶ LUẬT

26. Các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư phải được quy định bởi pháp luật bởi những người trong ngành luật thông qua những cơ quan thích hợp, theo đúng pháp luật và thực tiễn quốc gia, các tiêu chuẩn và quy phạm quốc tế đã được công nhận.

 27. Những lời buộc tội hay khiếu nại về khả năng chuyên môn của luật sư phải được xử lý nhanh chóng và đúng mức theo các thủ tục thích hợp. Luật sư phải có quyền được phân xử một cách công minh, gồm cả quyền được có một luật sư do họ lựa chọn giúp đỡ.

28. Những thủ tục kỷ luật đối với luật sư phải được đưa ra trước một hội đồng kỷ luật khách quan do những người trong ngành pháp luật thành lập, hoặc trước một cơ quan chức năng độc lập được thành lập theo pháp luật, hay trước một tòa án và có thể được xem xét lại về pháp luật một cách độc lập.

29. Những thủ tục kỷ luật được quyết định theo đúng quy ước đạo đức nghề nghiệp và những tiêu chuẩn đạo đức đã được công nhận của ngành luật và của những nguyên tắc này.

Nguyễn Hà Thanh

;
.